Mỹ hôm 14-5 chính thức mở đại sứ quán mới ở TP Jerusalem sau khi Tổng thống Donald Trump công nhận thành phố này là thủ đô Israel, bất chấp sự giận dữ của người Palestine và sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Dấu chấm hết cho vai trò Mỹ?
Bất chấp cảnh báo của quân đội Israel và an ninh được thắt chặt, người Palestine đã xuống đường tại nhiều nơi, trong đó có Jerusalem, Bờ Tây và Gaza để tuần hành phản đối sự kiện trên - diễn ra đúng vào dịp 70 năm ngày Israel tuyên bố độc lập.
"Hành động của người Mỹ cho thấy họ đang đứng hoàn toàn về phía Israel và không quan tâm gì đến quyền lợi của người Palestine" - ông Jawad Siyam, một nhà hoạt động người Palestine, nói với đài DW.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin kéo tấm màn che để giới thiệu đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem ngày 14-5 Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý là một ngày sau buổi lễ khánh thành trên, người Palestine kỷ niệm 70 năm ngày Nakba (ngày "thảm họa"), đánh dấu sự kiện hơn 700.000 người Palestine rời bỏ nhà cửa do cuộc chiến Ả Rập - Israel xảy ra năm 1948.
Riêng ở Dải Gaza, các cuộc biểu tình và xung đột giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel đã diễn ra trong 7 tuần liên tiếp, khiến hơn 100 người Palestine thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương cho đến giờ. Trong số này, ít nhất 52 người thiệt mạng và hơn 2.400 người bị thương ngày 14-5, theo cơ quan y tế Gaza. Người Palestine tại đó đang đòi quyền trở về những thị trấn, làng mạc mà gia đình họ sinh sống trước đây.
Nhiều người cảnh báo hành động của Mỹ khiến khu vực thêm bất ổn. Ông Bruce Riedel, chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang ở Syria, việc chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem không khác gì châm thêm dầu vào lửa. Ngoài ra, bước đi tranh cãi này còn đặt dấu chấm hết cho vai trò "trung gian hòa giải thành thật" của Washington trong các cuộc đàm phán Israel - Palestine.
Chia rẽ sâu sắc
Người Palestine lâu nay vẫn muốn thủ đô của nhà nước tương lai mình nằm ở Đông Jerusalem nên họ không khỏi phẫn nộ khi thấy ông Trump không giữ đại sứ quán ở TP Tel Aviv như nhiều chính quyền Mỹ trước đó và hầu hết quốc gia trên thế giới. Nhiều nước khẳng định quy chế của Jerusalem nên được quyết định bởi thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa người Israel và Palestine. Do đó, chuyển đại sứ quán đến Jerusalem có thể tác động tiêu cực đến tiến trình này.
Trong lúc người Palestine ném đá thì lực lượng Israel đáp trả bằng hơi cay và đạn thật. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố trước thềm buổi lễ rằng Jerusalem vẫn là thủ đô của họ trong bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với người Palestine. Ông Netanyahu cũng thúc giục các nước "làm điều đúng đắn" như Mỹ trong việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem.
Dù vậy, lời kêu gọi này không nhận được nhiều hưởng ứng, thể hiện rõ qua thành phần đại biểu dự buổi tiệc mừng diễn ra hôm 13-5. Theo Reuters, toàn bộ 86 nước có phái bộ ngoại giao ở Israel được mời dự buổi tiệc nhưng chỉ có 33 nước cử đại diện. Trong số này có Guatemala và Paraguay - 2 nước dự kiến mở đại sứ quán tại Jerusalem vào cuối tháng 5. Ở chiều ngược lại, không thành viên Liên minh châu Âu (EU) nào ở Tây Âu cử quan chức tham dự, dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng của họ đối với quyết định của ông chủ Nhà Trắng.
Ông Trump không đích thân dự buổi lễ mà cử người con gái Ivanka Trump, con rể Jared Kushner và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Quân đội Israel quyết định tăng cường gấp đôi số lượng binh sĩ để đối phó làn sóng biểu tình của người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây. Họ cũng cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực khi cần để ngăn chặn bất kỳ hành động nào đe dọa an ninh đất nước trong lúc cáo buộc phong trào Hamas sử dụng các cuộc biểu tình làm cái cớ để tiến hành tấn công Tel Aviv.
Nỗi lo an ninh còn đến từ đoạn ghi âm của thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahri, được công bố hôm 13-5 với nội dung kêu gọi thánh chiến chống lại hành động của Mỹ. Trùm khủng bố này thậm chí chỉ trích lãnh đạo các nước Hồi giáo "đã bán rẻ Palestine" trong lúc khẳng định Tel Aviv là vùng đất Hồi giáo.
Trong lúc Mỹ khai trương đại sứ quán mới tại Jerusalem, biên giới Gaza đang hết sức nóng bỏng. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Quan hệ Israel - vùng Vịnh nồng ấm hơn?
Kế hoạch hòa bình Israel - Palestine do Mỹ soạn thảo đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi gửi đến hai bên xem xét, theo một quan chức cấp cao Nhà Trắng. Trang Washington Free Beacon cho biết kế hoạch này bắt đầu được soạn thảo từ năm rồi và dự kiến trình làng "vào thời điểm thích hợp", có thể trong 1 hoặc 2 tháng tới. Hiện nội dung kế hoạch vẫn được giữ kín.
Trong lúc thành công của kế hoạch trên vẫn là dấu hỏi, nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình Trung Đông của chính quyền ông Trump phần nào giúp quan hệ giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh nồng ấm hơn, bên cạnh một yếu tố quan trọng hơn là "kẻ thù chung" Iran. Theo trang Axios, "đội ngũ hòa bình" của ông Trump - do cố vấn cấp cao Jared Kushner và đặc phái viên Jason Greenblatt đứng đầu - ngay từ đầu đã quyết định thắt chặt quan hệ với một số nhà lãnh đạo Ả Rập. Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman thậm chí có những lời lẽ tích cực hơn về Israel, công nhận quyền tồn tại trong hòa bình của nhà nước Israel và chỉ trích giới lãnh đạo Palestine vì từ chối đàm phán.
Cũng nhờ tác động của "đội ngũ hòa bình" Nhà Trắng, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar và Bahrain đã đồng ý cử đại diện nhóm họp với Israel để bàn cuộc khủng hoảng Gaza hồi giữa tháng 3 năm nay. Sau khi Israel và Iran đụng độ nhau ở Syria hôm 9-5, Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain công khai ủng hộ Israel trên trang Twitter. Chưa hết, các nước Israel, Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain đã công khai bày tỏ lập trường giống nhau sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Giới chức Nhà Trắng, Israel và các nước vùng Vịnh đánh giá đang có cơ hội lịch sử để đạt đột phá trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận không dễ đạt được thành tựu như thế nếu tiến trình hòa bình Israel - Palestine vẫn giậm chân tại chỗ.
Lục San