Cơ quan này cho biết, tăng trưởng kinh tế đã chạm đỉnh vào tháng 2 và kể từ đó rơi vào suy thoái. Theo định nghĩa, một cuộc suy thoái bắt đầu khi hoạt động kinh tế đạt đỉnh và kết thúc khi chạm đáy.
Đây là cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009 đối với nền kinh tế Mỹ, khi cuộc suy thoái cuối cùng kết thúc và mở ra đà tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1854 là 128 tháng. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán cuộc suy thoái lần này sẽ đặc biệt sâu sắc và diễn ra trong thời gian khắn, có thể chỉ là vài tháng, khi các tiểu bang và hoạt động kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.
NBER là một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận, theo dõi các chu kỳ kinh tế ở Mỹ. Tổ chức này đã lưu ý về những trường hợp bất thường trong thông báo của họ. NBER cho biết: "Hội đồng nhận thấy rằng phản ứng đối với đại dịch và y tế công cộng đã dẫn đến một cuộc suy thoái với những đặc điểm, động lực khác so với các cuộc suy thoái trước đó. Tuy nhiên, có thể kết luận rằng, quy mô lớn chưa từng thấy của tình trạng việc làm và hoạt động sản xuất sụt giảm trên toàn bộ nền kinh tế đã chứng minh rằng giai đoạn này là một cuộc suy thoái, dù kéo dài trong thời gian ngắn hơn so với những cuộc suy thoái trước đó."
Robert Gordon – nhà kinh tế học tại Đại học Northwestern và thành viên của tổ chức này, cho biết ông dự đoán sự hồi phục bắt đầu vào tháng 4 hoặc tháng 5, có nghĩa là cuộc suy thoái chỉ diễn ra trong vài tháng. Dẫu vậy, ông nhận định việc khẳng định đây là một cuộc suy thoái không phải là lựa chọn khó khăn "bởi sự sâu sắc của nó".
Gordon nói: "Không có cách nào khác để có thể quan sát việc đó xảy ra mà không gọi nó là một cuộc suy thoái", dù đây thực sự là một cuộc suy thoái lạ lùng, "chưa có điều gì như thế này từng xảy ra."
NBER dự đoán về chu kỳ của hoạt động kinh doanh dựa tren một loạt các dấu hiệu kinh tế, quan trọng là GDP và việc làm. Hoạt động kinh tế tại Mỹ bắt đầu sụt giảm mạnh vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, khi Covid-19 lan rộng khắp các thành phố lớn như New York, Chicago và Atlanta. Các cửa hàng đóng cửa, khách du lịch hủy lịch trình bay và người dân không muốn đến nhà hàng, ngay cả khi một số bang vẫn cho phép họ đặt đồ ăn về nhà.
Phương thức theo dõi nền kinh tế dựa trên thời gian thực, ví dụ như chi tiêu thẻ tín dụng của JPMorgan, cho thấy rằng hoạt động chi tiêu đã giảm mạnh vào đầu tháng 3 và dần hồi phục kể từ cuối tháng 4. Dẫu vậy, chi tiêu vẫn còn ở mức dưới khủng hoảng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp – thước đo quan trọng đối với "sức khỏe" của nền kinh tế, bắt đầu tăng vào tháng 3, sau đó tăng vọt 14,7% vào tháng 4. Đến tháng 5, con số này giảm nhẹ còn 13,3% nhưng vẫn cao hơn mức đỉnh trong cuộc Đại suy thoái.
Ngoài ra, trước đó, các nhà kinh tế của Bloomberg đã dự kiến tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt mức -9,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, sau đó là giảm 6,8% trong quý III so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm dự kiến sẽ sụt giả 34% trong quý II trước khi hồi phục ở mức 15% trong quý III.
Matthew Luzzetti, kinh tế trưởng của Mỹ tại Deutsche Bank Securities, cho biết: "Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã đi qua thời điểm khó khăn nhất và đang trong giai đoạn phục hồi." Nhưng có sự khác biệt giữa mức sản lượng chung và sự thay đổi theo từng giai đoạn, bởi sự ảnh hưởng có thể vẫn diễn ra trong một thời gian, ngay cả sau khi đã hồi phục. Ông nói thêm rằng: "Sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục, dù tốc độ tăng trưởng là rất mạnh."
Tham khảo New York Times