Tổng thống Mỹ Trump cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt nhiều hơn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhận định đó có thể đúng, nhưng Mỹ cũng không tránh khỏi “thương tích”, MarketWatch nhận định.
Cán cân thương mại Trung-Mỹ chênh lệch trông thấy khi nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 506 tỷ USD hàng hóa năm 2017, và chỉ xuất 130 tỷ USD sang Trung Quốc. Tình trạng thâm hụt thương mại lớn này đã diễn ra nhiều năm nay.
Hôm thứ Năm tuần trước, ông Trump đề cập đến khả năng đánh thuế thêm 100 tỷ USD giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, ngoài mức 50 tỷ USD tuyên bố vào tháng trước. Động thái của ông Trump được cho là phản ứng lại sự trả đũa của Trung Quốc khi tuần trước đó Bắc Kinh công bố sẽ đánh thuế 50 tỷ USD lên hàng nhập từ Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể đáp trả tương xứng.
“Do chỉ nhập khẩu 131 tỷ USD từ Mỹ trong năm ngoái, Trung Quốc sẽ không còn mấy dư địa để đáp trả Mỹ về thuế quan”, kinh tế giam trưởng Scott Anderson của Bank of the West lưu ý.
Tuy vậy, Anderson và nhà phân tích khác đều cho rằng Trung Quốc đang nắm trong tay nhiều vũ khí khác.
Ví dụ, Bắc Kinh có thể hạn chế các công ty Mỹ thâm nhập thị trường nội địa hoặc tăng cường giao dịch với những đối tác khác, điển hình như chuyển sang Airbus thay vì Boeing khi muốn mua máy bay dân dụng.
Tuy vậy, Trung Quốc cũng vẫn phải kiêng dè vì nước này nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, mà chỉ có Mỹ mới đáp ứng đủ nhu cầu. Hơn nữa, trong thực tế, Bắc Kinh cũng không thể giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ngay cả khi nhận định của ông Trump rằng Trung Quốc sẽ mất mát nhiều hơn là đúng, thì Mỹ cũng sẽ thiệt hại nhiều.
Nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng mạnh, nhất là sau khi Nhà Trắng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tháng 12/2017. Nhờ đó, thị trường chứng khoán cũng không tăng điểm mạnh. Nhưng cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nếu căng thẳng thương mại vượt ngoài tầm kiểm soát.
“Việc cắt giảm thuế mà nhiều người tin là sẽ thêm nguồn năng lượng mới cho hoạt động kinh doanh có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích nếu giới doanh nhân và người tiêu dùng ngày càng lo ngại về định hướng chính sách thương mại của Mỹ và tác động tiềm tàng lên nền kinh tế vốn đang bước vào giai đoạn tăng tưởng bão hòa”, kinh tế trưởng Bernard Baumohl của Economic Outlook Group nêu quan điểm.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là cuộc khẩu chiến. Việc đánh thuế 50 tỷ USD mà Mỹ công bố chưa thể có hiệu lực trong vòng hai tháng tới, vì Chính phủ phải lấy ý kiến người dân trước khi thực thi chính sách. Do đó, việc áp thuế, nếu có, sẽ không diễn ra trước khi mùa hè kết thúc.
Chính vì thế, từ nay đến đó còn nhiều thời gian để hai cường quốc kinh tế tìm giải pháp cho bất đồng kinh tế kéo dài. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ông hy vọng hai nước sẽ hóa giải bất đồng, đồng thời thừa nhận trên kênh CNBC rằng “khả năng có chiến tranh thương mại”.
Ông Mnuchin khẳng định “Nhà Trắng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của đất nước”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây cáo buộc Mỹ gây ra căng thẳng thương mại và làm cho hai nước không thể đối thoại được trong tình hình hiện nay.