Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 55.839 tấn trong tháng 3, tăng mạnh 93,6% về lượng và 92,4% về kim ngạch so với tháng 2. Lũy kế trong quý 1 mặt hàng này đã thu về hơn 839 triệu USD, giảm 18,7% về lượng nhưng tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ.
Xét về thị trường , Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với gần 29.000 tấn hạt điều , trị giá 197,4 triệu USD, giảm 26% về lượng và giảm 5% về kim ngạch so với 3T/2024. Giá xuất khẩu bình quân đạt 6.830 USD/tấn, tăng vọt 28,5% so với cùng kỳ.
Năm 2024, lần đầu tiên Mỹ chi kỷ lục hơn 1,15 tỷ USD nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều Việt Nam. Hạt điều Việt Nam chiếm 98% tổng giá trị nhập khẩu hạt điều của Mỹ.
Đứng thứ 2 là Trung Quốc với hơn 17.400 tấn nhập từ Việt Nam, trị giá 109,5 triệu USD. Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, đạt gần 12.000 tấn.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nhu cầu hạt điều đang gia tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến thực phẩm, quá trình đô thị hóa và thay đổi trong thói quen tiêu dùng.
Mới đây nhất, Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa từ Việt Nam, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hạt điều có khả năng không nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất. Lý do là Mỹ không có vùng trồng điều, cũng không có nhà máy chế biến điều quy mô lớn, nên sản phẩm điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam không trực tiếp cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của Mỹ. Trong gần 10 năm qua, Mỹ luôn là thị trường số 1 của ngành điều Việt Nam, chiếm khoảng 25-27% tổng kim ngạch xuất khẩu .
Hạt điều được coi là một thực phẩm thiết yếu, được xếp chung vào nhóm danh mục các sản phẩm như thịt gà, thịt lợn, cá, thuế nhập khẩu , thuế bán lẻ đang ở mức 0% nên mức thuế mới nếu có cũng không quá cao để tránh ảnh hưởng đến lạm phát, điều mà Tổng thống Donald Trump không hề mong muốn. Đây có thể coi là một thuận lợi của hạt điều Việt Nam tại thị trường Mỹ, trong bối cảnh chính sách thuế của thị trường này đang có sự thay đổi liên tục.
Thị trường hạt điều chế biến tại Mỹ dự kiến đạt 693,3 triệu USD vào năm 2025 và tăng lên hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2035, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,9%/năm trong giai đoạn 2025-2035. Thị trường này tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với thực phẩm bổ dưỡng, có nguồn gốc thực vật và chế biến thuận tiện.