Giá dầu Brent hôm 22-6 (giờ địa phương) có lúc giảm 4,1%, còn 110 USD/thùng trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 4,6%, còn 104,44 USD/thùng.
Tổng thống Joe Biden hôm 22-6 kêu gọi Quốc hội Mỹ bật đèn xanh cho việc tạm ngừng thu thuế xăng dầu liên bang 18,4 cent/gallon trong 3 tháng và thúc giục các bang hoãn đánh thuế nhiên liệu do mỗi bang lại áp thêm mức thuế riêng với mặt hàng này.
Theo hãng tin Reuters, Nhà Trắng đã yêu cầu các giám đốc điều hành của 7 công ty dầu mỏ nhóm họp trong tuần này để thảo luận về cách tăng công suất khai thác và giảm giá năng lượng. Tuy nhiên, các nhà lập pháp lưỡng đảng phản đối đề xuất của ông Biden.
Ông Kent Smetters, giáo sư Trường Wharton thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ), hồi tháng 3 từng ước tính mỗi người dân chỉ tiết kiệm được khoảng 50 USD nếu chính sách này được thực hiện từ tháng 3 đến cuối năm nay, tức 10 tháng so với 3 tháng như đề xuất của ông Biden.
Ông Smetters nhận định vấn đề là hầu hết số thuế được miễn này, dù ở cấp liên bang hay bang, sẽ không được chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng. Theo phát ngôn viên Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) Andrew Gross, thuế xăng dầu liên bang chỉ chiếm phần rất nhỏ trong số tiền mà người tiêu dùng Mỹ chi cho nhiên liệu.
Trạm bơm tại một mỏ dầu ở TP Los Angeles, bang California - Mỹ hôm 17-6 Ảnh: Reuters
Trên thực tế, giá dầu đã tăng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24-2. Nhưng kể từ giữa tháng 3, chi phí nhiên liệu đã tăng lên trong khi giá dầu thô chỉ tăng ở mức khiêm tốn. Phần lớn nguyên nhân là do thiếu công suất lọc dầu phù hợp để chế biến dầu thô thành xăng và dầu diesel nhằm đáp ứng nhu cầu cao trên toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, về tổng thể, thế giới có đủ công suất để lọc khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày nhưng khoảng 20% công suất đó không thể sử dụng được. Phần lớn công suất không sử dụng được nằm ở Mỹ Latin và những nơi khác thiếu vốn đầu tư.
Ngành công nghiệp lọc dầu ước tính thế giới đã giảm công suất lọc dầu khoảng 3,3 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2020. Khoảng 1/3 số thùng dầu không được lọc nói trên là ở Mỹ, phần còn lại ở Nga, Trung Quốc và châu Âu.
Nhu cầu về nhiên liệu đã sớm giảm trong đại dịch Covid-19 do phong tỏa và làm việc từ xa. Trước đó, công suất lọc dầu đã không giảm vào bất kỳ năm nào trong ít nhất 3 thập kỷ. Góp phần đẩy chi phí giá dầu lên cao một phần do chi phí vận chuyển bằng tàu ra nước ngoài tăng, cũng như các lệnh trừng phạt đối với các tàu của Nga. Ở châu Âu, các nhà máy lọc dầu bị hạn chế bởi giá khí đốt cao, vốn cung cấp năng lượng cho hoạt động lọc dầu.
Trong khi đó, giá khí đốt đang ở mức kỷ lục, khiến cho lạm phát tăng vọt, gây thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực đưa châu Âu thoát khỏi cơn bão kinh tế. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 dưới biển Baltic hiện chỉ hoạt động ở 40% công suất. Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở việc bảo dưỡng đường ống này trong khi châu Âu lại cho đây là cái cớ để Nga cắt giảm nguồn cung.