Khi Mỹ liên tục "tấn công" bằng những lệnh cấm vận, nhằm ngăn chặn Huawei tiếp cận những công nghệ quan trọng như chip, hệ điều hành Android của Google, khiến hãng này từ vị trí là nhà sản xuất di động lớn thứ nhất thế giới trong quý II/2020 nhưng nhanh chóng rời khỏi vị trí Top 5 trên thị trường, nhiều người tin rằng cái tên Huawei có thể sẽ sớm biến mất trên bản đồ công nghệ thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn trên dường như đang giúp Huawei tái định vị lại hướng đi của mình. Hãng này liên tục đưa ra những định hướng mới cho mình nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc và tác động vào Mỹ. Giới quan sát dành nhiều sự chú ý vào công nghệ 5G, AI hay các hoạt động liên quan đến xe điện, xe tự lái nhưng một cái tên mới vừa xuất hiện trong danh mục công ty con của Huawei lại khiến nhiều người ngạc nhiên. Công ty này có tên Digital Power (Năng lượng số).
"Sử dụng bit để quản lý watt"
Huawei cho biết hầu hết các nước trên thế giới đều đã đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon vào năm 2050. Chính mục tiêu quan trọng này đã thúc đẩy ngành năng lượng trở thành ngành carbon thấp, điện tử và thông minh hơn. Đây là lý do Huawei thành lập công ty về năng lượng số.
Hãng này hé lộ, bằng cách tích hợp các công nghệ số vào ngành năng lượng, nhóm kinh doanh Digital Power sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về năng lượng số để hướng tới và xây dựng một tương lai xanh, góp phần giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.
Năng lượng số là một trong những hướng đi trọng điểm mới của Huawei.
Chia sẻ với báo giới trong cuộc họp báo trong khuôn khổ sự kiện Huawei Connect, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết, ICT dự kiến sẽ giúp các ngành công nghiệp khác cắt giảm 12,1 tỷ tấn khí thải carbon vào năm 2030. Con số đó gần gấp 10 lần lượng phát thải của chính ngành ICT.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực trong một lĩnh vực cụ thể, đó là sức mạnh kỹ thuật số. Chúng tôi muốn kết hợp công nghệ số và thiết bị điện tử công suất, đồng thời "sử dụng bit để quản lý watt". Chúng tôi tin rằng điều này sẽ cho phép chúng tôi đóng góp nhiều hơn vào việc tiết kiệm điện trong các trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng ICT, v.v", ông Eric Xu cho biết.
Thị phần của Huawei trong cơ sở hạ tầng ICT toàn cầu hiện chiếm hơn 30% với tư cách là nhà cung cấp chính cơ sở hạ tầng ICT.
Khi được hỏi về việc liệu những lệnh cấm vận của Mỹ có ảnh hưởng đến Nhóm kinh doanh Digital Power không, Huawei cho biết, để đảm bảo sự phục hồi kinh doanh, Digital Power lựa chọn một chiến lược nhà phân phối đa dạng, không phụ thuộc vào riêng một nước hay nhà cung cấp nào. Nhóm kinh doanh này đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, trong đó R&D, sản xuất, dây chuyền cung ứng và các dịch vụ…
Công ty con Digital Power cũng sẽ thực hiện "sứ mệnh" mở rộng sang thị trường ô tô của Huawei với các giải pháp dành cho xe điện, xe tự lái thông minh.
Huawei vốn nổi tiếng là hãng "chịu chi" trong lĩnh vực R&D. Hàng năm hãng này chi 10-15% doanh thu và hơn 50% nhân lực vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Hãng này cũng cho biết sẽ dành 60% trong số 6.000 nhân lực của Digital Power để tham gia vào quá trình R&D.
Triết lý "không ai biết đến người số 2, chỉ nhớ số 1"
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng nói, trong thời đại thông tin hiện nay, vị trí dẫn đầu mới có giá trị, vị trí thứ 2 dường như vô nghĩa. Chính vì vậy, Huawei đặt mục tiêu khai thác tối đa sức mạnh và năng lực công ty để đi trước các đối thủ khác. Ông Nhậm cũng ví Digital Power như là "con hổ" bị nhốt trong cũi lâu ngày và giờ đã được "thả cửa" để có thể tung hoành.
Theo ông Nhậm Chính Phi, yêu cầu quan trọng nhất là phải tuyển những nhân tài khắp nơi trên thế giới để giúp công ty nghiên cứu và phát triển các sản phẩm xuất sắc. Gã khổng lồ ngành viễn thông Trung Quốc có kế hoạch tuyển dụng nhiều tài năng quốc tế hơn bằng cách trả lương cao hơn mặt bằng thị trường hiện tại, theo một bài phát biểu nội bộ của ông Nhậm.
Ông Nhậm Chính Phi tin rằng năng lượng số đang là "con hổ bị nhốt trong cũi", sẽ nhanh chóng đưa công ty này vươn lên vị trí số một.
Trong cuộc họp nội bộ với nhân viên Huawei vào tháng 8, ông Nhậm cho biết: "Công ty của chúng ta đang ở trong một giai đoạn chiến lược quan trọng để tồn tại và phát triển. Vì vậy, chúng ta phải có đủ nhân tài. Chúng ta phải tuyển dụng những người có năng lực hơn chúng ta", ông nói. "Các gói lương thưởng của chúng ta phải phù hợp hơn với thị trường quốc tế, cao hơn so với tại địa phương. Đây là điều cần thiết để thu hút những nhân tài tốt nhất".
Với nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, R&D là nhắm vào nhu cầu của khách hàng và xu hướng công nghệ. "Chúng tôi thiên về chạy đua với thời gian và chạy đua với thời đại, chứ không phải chạy đua với các đối thủ". Nguyên tắc lãnh đạo tại Huawei, như ômg Nhậm Chính Phi từng khẳng định là khách hàng chứ không phải là công nghệ hay vốn.
Theo bảng xếp hạng được BCG công bố năm ngoái, Huawei đã nhảy vọt 42 bậc, xếp hạng 6 trong Top 10 công ty sáng tạo nhất châu Á. Hiện tại, Huawei cũng được coi là nhà cung cấp các giải pháp về công nghệ 5G số 1 thế giới và bỏ xa các đối thủ trong ngành.
Ông Richard Yu, Tổng giám đốc Nhóm kinh doanh tiêu dùng (Huawei Consumer BG) từng khẳng định với báo chí về quyết tâm dẫn đầu của Huawei: "Thế giới không ai nhớ đến số 2, chỉ nhớ đến số 1. Đỉnh núi cao nhất thế giới là Chomolungma, đỉnh núi cao thứ 2 là gì, nhiều người không trả lời được". Bởi vậy "điều quan trọng để sống tiếp chính là "Không có số 2, chỉ có số 1"".