Hôm qua, 1-8, lần đầu tiên sau 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất đồng USD . Mức giảm lãi suất là 0,25%, như vậy lãi suất hiện nay của Mỹ còn 2%-2,25%.
Nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ mới
Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED, giải thích rằng việc giảm lãi suất lần này để hỗ trợ và bảo vệ kinh tế Mỹ khỏi việc chậm tăng trưởng sau Trung Quốc và châu Âu.
“Đây chỉ là một điều chỉnh nhỏ để tạo sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm, chứ không phải một chu kỳ cắt giảm sâu mà FED từng làm trong quá khứ để ngăn chặn sự suy thoái” - ông Jerome Powell nói.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận việc giảm lãi suất lần đầu tiên sau 10 năm của FED là động thái khá lạ. Bởi hiện nay mức tăng trưởng kinh tế vẫn rất tốt, tỉ lệ thất nghiệp thấp (chỉ 2%) và họ đang kiểm soát tốt lạm phát.
“Đáng lẽ ra Mỹ phải duy trì tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì lại giảm lãi suất. Có khả năng FED đang chịu sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã nhiều lần chỉ trích lập trường chính sách tiền tệ của FED và đòi cơ quan này phải mạnh tay hạ lãi suất nhiều hơn nữa để hỗ trợ trong việc tái tranh cử lần hai” - ông Hiếu bình luận.
Nhận định tương tự, chuyên gia tài chính Trần Thanh Hải cho rằng thông thường nền kinh tế bất ổn thì mới cắt giảm lãi suất để tăng cung tiền giá rẻ ra thị trường nhằm kích thích nền kinh tế sản xuất phát triển. Kinh tế Mỹ hiện nay đang rất vững chắc nên việc cắt giảm lãi suất là để tăng tốc cho kinh tế Mỹ, tạo ưu thế cho ông Trump. Mặt khác, người Mỹ đang lo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong tương lai.
“Mỹ đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình từ việc giảm giá đồng tiền. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Lý do là khi Mỹ có lợi thế về tiền tệ thì các đối tác thương mại với Mỹ rơi vào thế bất lợi, để cân bằng họ cũng làm điều tương tự, tức giảm giá trị đồng nội tệ của mình để tăng sức cạnh tranh” - ông Hải phân tích.
Giá vàng thế giới lẫn trong nước giảm mạnh sau khi FED cắt giảm lãi suất. Ảnh: THÙY LINH
Những tín hiệu lạ trên thị trường
Theo ông Hải, khi Mỹ giảm lãi suất đồng USD, về mặt lý thuyết, cung tiền giá rẻ nhiều hơn nghĩa là tiền ra nhiều thì giá vàng sẽ tăng, thị trường chứng khoán cũng tăng điểm. Thế nhưng mọi thứ đang có những diễn biến trái chiều. Vàng không những không tăng giá mà còn giảm giá, cả thế giới lẫn nội địa.
Phản ứng của thị trường vàng sáng qua (1-8) đã phản ánh nhanh với động thái này của FED. Đó là giá vàng thế giới quay đầu giảm điểm, mất 1,17% giá trị, còn 1.409,40 USD/ounce. Đây là mức giá thấp nhất trong các tuần qua.
Thị trường vàng trong nước cũng có sự suy giảm. Đến 12 giờ ngày 1-8, giá vàng tại thị trường Việt Nam (VN) đã bốc hơi 300.000-400.000 đồng/lượng, hiện dao động quanh mức 39,250-39,450 triệu đồng/lượng. Riêng đồng USD trên thị trường thế giới leo lên mức cao nhất trong hai năm so với đồng euro. Còn tại VN, giá USD bán ra trên thị trường tự do ở mức 23.115-23.220 đồng, tăng 10-15 đồng ở chiều bán ra.
“Sau quyết định của FED, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật tăng 19,46 điểm; chỉ số VN-Index của VN cũng tăng, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 212 điểm. Chứng khoán nơi tăng nơi giảm, vàng cũng giảm giá thay vì tăng… là điều rất lạ mà chưa thể giải thích được” - ông Hải thừa nhận. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do FED đã khiến giới đầu tư thất vọng khi chỉ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và phát tín hiệu chưa chắc sẽ giảm thêm.
Ông Hải cũng cho rằng FED giảm lãi suất, các nước điều chỉnh tỉ giá thì có khả năng tiền VN đắt so với USD. Do đó, nếu neo tỉ giá đồng VN quá lâu sẽ không có lợi cho xuất khẩu từ đây đến cuối năm, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang đánh giá VN thặng dư thương mại với Mỹ. “Do đó, VN cần hết sức tỉnh táo và có chính sách phù hợp để có khả năng đối phó và điều chỉnh cán cân thương mại VN và Mỹ để không rơi vào cái bẫy đối đầu với họ” - ông Hải gợi ý.
Còn theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc FED giảm lãi suất đồng USD đã làm giảm sức ép lên tỉ giá đồng VN trong bối cảnh phía Mỹ đã có nhắc đến VN liên quan đến thao túng tiền tệ (hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách chín nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có VN). Nói cách khác, điều này thuận lợi cho VN duy trì được sự ổn định tiền đồng và không phải chịu sức ép để thoát khỏi cáo buộc của Mỹ về thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại.
Tuy nhiên, các nhà làm chính sách phải theo dõi chặt diễn biến thị trường để có những quyết sách đúng đắn, đặc biệt có khả năng các nước sẽ giảm giá đồng tiền của mình nhằm đối phó việc đồng USD giảm giá, dẫn đến gây sức ép cạnh tranh lên hàng xuất khẩu VN. “Điều này dù chưa có khả năng nhưng có tiềm năng tạo ra một cuộc chiến tranh tiền tệ. Nếu điều đó diễn ra sẽ ảnh hưởng đến giá nhiều loại tài sản khác như bất động sản, vàng, chứng khoán…” - ông Hiếu nói.
Điều hành không cứng nhắc
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI nhận định chính sách tiền tệ của VN được điều hành khá linh hoạt chứ không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng. Qua đó hướng tới mục tiêu là giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Do đó, việc FED giảm lãi suất sẽ không tác động quá lớn về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mà chỉ khiến việc thực hiện các định hướng chính sách thuận lợi hơn do giảm bớt sức ép từ tỉ giá. Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Trump thất vọng
Sau khi FED tuyên bố giảm lãi suất, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter: "Điều mà thị trường muốn nghe từ ông Jerome Powell và FED là câu nói rằng đây là sự khởi đầu của một chu kỳ cắt giảm lãi suất kéo dài và mạnh mẽ, tương xứng với những gì Trung Quốc, EU và các quốc gia khác trên thế giới đang làm. Như thường lệ, ông Powell đã khiến chúng ta phải thất vọng".