Bộ Thương mại Mỹ đưa ra kết luận rằng lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Việt Nam được trợ cấp không bình đẳng thông qua việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp hơn giá trị thực và bán phá giá tại thị trường này.
Hãng Reuters thông tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 24/5 đã đưa ra kết luận về cuộc điều tra đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam. Báo cáo từ DOC cáo buộc rằng lốp xe hơi và xe tải nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam được trợ cấp không bình đẳng thông qua việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp hơn giá trị thực.
Cụ thể, DOC cho rằng, lốp ô tô từ Việt Nam đang được trợ cấp với tỷ lệ từ 6,23% đến 7,89% thông qua việc chuyển đổi USD sang VND với tỷ giá hối đoái thấp hơn giá trị thực của VND. Đây là phán quyết cuối cùng của DOC trong cuộc điều tra thương mại với lốp xe nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng cho hay, qua điều tra, DOC phát hiện thấy lốp xe nhập khẩu vào Mỹ từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã được bán dưới giá thị trường ở Mỹ. Theo đó, lốp xe từ Việt Nam được bán phá giá tới 22%; lốp Hàn Quốc được bán phá giá tới 27%; lốp Đài Loan được bán phá giá tới 102%; còn lốp Thái Lan được bán phá giá tới 21%.
Dựa theo kết luận điều tra này, DOC đưa ra mức thuế chống trợ cấp (countervailing) đối với lốp ô tô từ Việt Nam như sau: lốp từ Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 7,89%; lốp từ Sailun (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 6,23% và lốp từ các nhà sản xuất khác tại Việt Nam bị áp thuế 6,46%.
Cùng với thuế chống trợ cấp, lốp xe từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn bị áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) với thuế suất 22,3%, ngoại trừ lốp của Kenda Rubber (Vietnam) Co. Ltd.; Sailun Group (Hong Kong) Co. Ltd./Sailun Tire Americas Inc.; Bridgestone Corp.; Bridgestone Tire Manufacturing Vietnam LLC; Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd. và Yokohama Rubber Co. Ltd. có mức thuế 0%.
Trước đó, vào tháng 6/2020, DOC đã mở các cuộc điều tra đối với lốp xe nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam nhằm xác định liệu lốp xe của các thị trường này có bị bán với giá thấp hơn mức giá hợp lý hay không.
Đến ngày 30/12/2020, DOC đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ đối với nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam và một số nền kinh tế khác.
Theo đó, trên cơ sở thông tin, dữ liệu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, DOC cho rằng các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, các đối tác bị điều tra khác đều bị cho là đã bán phá giá với biên độ phá giá từ 14,24% đến 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% đến 98,44% đối với Đài Loan - Trung Quốc và từ 13,25% đến 22,21% đối với Thái Lan.
Trong vụ việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam như Sailun, Kenda, Bridgestone, Kumho và Yokohama đều được coi là không bán phá giá, trong khi các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế suất toàn quốc là 22,3%.
Đến tháng 1/2021, trên cơ sở thông tin, dữ liệu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, DOC chính thức tuyên bố các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Mỹ.
Theo Bộ Công Thương, đây là kết quả hết sức tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam bởi Mỹ là thị trường lớn và quan trọng nhất đối với ngành sản xuất lốp xe khi kim ngạch các doanh nghiệp không bị áp thuế chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô sang Mỹ của Việt Nam năm 2019 (khoảng 470 triệu USD theo số liệu của hải quan Mỹ).
Ngoài ra, việc DOC xác định mức thuế phá giá 0% đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm này của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.
Không chỉ vậy, kết luận này còn mang lại lợi ích đáng kể cho ngành ngành cao su và nông dân trồng cao su của Việt Nam khi một số lượng lớn cao su khai thác tại Việt Nam được sử dụng để làm sản phẩm lốp xe.
Anh Tuấn