Bộ Tài chính Mỹ ngày 28/5 công bố báo cáo khẳng định không đối tác thương mại nào của Mỹ, kể cả Trung Quốc, thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, Bộ trên kêu gọi "gã khổng lồ" kinh tế châu Á này tránh để đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu đi.
Báo cáo trên, công bố 2 lần/năm, rất được trông đợi trong bối cảnh đồng tiền yếu khiến hàng hóa xuất khẩu của các nước vào Mỹ có tính cạnh tranh cao hơn và có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực hiện nay của Washington nhằm giảm tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại toàn cầu.
Xuất phát từ báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đánh giá toàn bộ các đối tác thương mại của mình có mức thặng dư thương mại trên 40 tỷ USD/năm.
Theo báo cáo, dựa trên con số kim ngạch thương mại năm 2019, tiêu chuẩn trên sẽ liên quan đến 21 quốc gia với tổng thương mại hàng hóa với Mỹ đạt gần 3.500 tỷ USD.
Với một danh sách mở rộng, Bộ Tài chính đã ghi thêm 9 đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc, vào diện "cần giám sát về thói quen tiền tệ."
Danh sách mới đã xóa tên Ấn Độ và Thụy Điển, nhưng thêm Ireland, Italy, Malaysia, Singapore.... Đức vẫn tiếp tục ở trong danh sách này trong năm thứ 3 liên tiếp.
Bộ trên nhấn mạnh Đức là nước "có thặng dư cán cân thanh toán lớn nhất thế giới," và riêng với Mỹ trong năm 2018 là 68 tỷ USD.
Đức cùng với Italy và Ireland là thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nên không có quyền kiểm sát độc lập đối với chính sách tiền tệ, vốn thuộc quyền của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong khi báo cáo nói rằng "sự can thiệp trực tiếp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (BoC) trong năm qua khá hạn chế," Bộ trên "tiếp tục kêu gọi Trung Quốc áp dụng các bước đi cần thiết để tránh tình trạng đồng tiền tiếp tục suy yếu"./.