Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18-10 chính thức áp thuế trừng phạt đối với 7,5 tỉ USD hàng hóa châu Âu để trả đũa các biện pháp trợ cấp dành cho hãng sản xuất máy bay Airbus. Bước đi này diễn ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đứng về phía Washington trong cáo buộc Airbus đã nhận được hàng tỉ USD tiền trợ cấp trái phép từ Liên minh châu Âu (EU), giúp công ty này có được lợi thế cạnh tranh không công bằng so với đối thủ Boeing của Mỹ. Từ đó, WTO phán quyết Mỹ có thể áp thuế để trả đũa EU.
Cụ thể, máy bay được sản xuất tại EU sẽ bị áp mức thuế 10%, trong khi một loạt sản phẩm khác, như phô mai và rượu whisky sẽ bị đánh thuế 25%. Động thái tăng thuế của Mỹ khiến các nhà sản xuất nông sản châu Âu cảm thấy vừa lo lắng vừa giận dữ vì cho rằng họ bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại dường như không liên quan gì đến mình. "Đây quả là một cơn ác mộng" - bà Aurélie Bertin, người điều hành nhà máy rượu vang Château Ste-Roseline 700 tuổi ở miền Nam nước Pháp, bày tỏ. Bà cũng lo ngại doanh số bán hàng của mình tại Mỹ có thể sụt giảm 1/3 khi chịu mức thuế mới. "Chúng tôi cho rằng mình là những con tin của chính trị. Chúng tôi chẳng hề dính dáng đến ngành hàng không, ngay cả khi rượu vang của chúng tôi được phục vụ trên máy bay mỗi ngày" - ông Francois Labet, nhà sản xuất rượu vang Burgundy, phản ứng.
Mặt hàng phô mai nhập khẩu từ châu Âu sẽ chịu thuế suất mới của Mỹ Ảnh: REUTERS
Theo đài Deutsche Welle (Đức), Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã lên tiếng chỉ trích động thái áp thuế của Mỹ và cảnh báo về những hậu quả cụ thể. "Chúng tôi, người châu Âu, sẽ có các biện pháp trừng phạt tương tự trong vòng một vài tháng, thậm chí có thể cứng rắn hơn - trong khuôn khổ của WTO - để trả đũa lệnh trừng phạt này của Mỹ" - ông Bruno Le Maire tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 17-10. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng động thái áp đặt thuế trừng phạt của Mỹ lên hàng hóa châu Âu sẽ phản tác dụng và có nguy cơ khiến cả hai bên đều thiệt hại.
Một số chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất châu Âu về lâu dài có thể chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường khác với Mỹ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không có gì thay thế được thị trường Mỹ. Theo trang MarketWatch, ông Donald Trump hôm 16-10 tự tin tuyên bố Mỹ không thể thua cuộc chiến thương mại với châu Âu vì sự mất cân bằng thương mại lớn giữa hai bên đang tồn tại.
Nguy cơ nổ ra xung đột thương mại Mỹ - EU là một tin không mấy tích cực đối với kinh tế thế giới giữa lúc thương chiến Mỹ - Trung Quốc chưa biết bao giờ kết thúc. Một loạt căng thẳng thương mại quốc tế đang đè nặng lên tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong 12 tháng qua. Đáng chú ý, số liệu chính thức được công bố hôm 18-10 cho thấy kinh tế Trung Quốc trong quý III/2019 tăng trưởng 6% so cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Không gì lạ khi một trong những nội dung thảo luận chính tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, diễn ra tại thủ đô Washington - Mỹ trong hai ngày 18 và 19-10, là các biện pháp giảm căng thẳng thương mại.
Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định sự kiện thuế nhập khẩu của Mỹ với 7,5 tỉ USD hàng hóa EU có hiệu lực sẽ khiến luồng hàng xuất khẩu của EU bị ảnh hưởng và buộc các quốc gia này phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, Việt Nam có thể là một trong những thị trường được EU quan tâm xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ không lớn do cơ cấu hàng hóa của EU xuất khẩu sang Mỹ khác cơ cấu hàng hóa Việt Nam nhập từ EU nên Việt Nam khó trở thành thị trường thay thế.
Xét về tổng thể, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các nguy cơ đến từ việc làn sóng toàn cầu hóa đang bị chậm lại và nhiều quốc gia có xu hướng bảo hộ mậu dịch thông qua việc áp dụng các công cụ thuế quan cho hàng hóa từ nước khác. Theo đó, hàng Việt có khả năng bị kiện phòng vệ, kiện chống bán phá giá nhiều hơn hoặc bị "để ý" về mặt xuất xứ. Nguy cơ không chỉ đến từ nước Mỹ mà còn nhiều quốc gia, khu vực khác. "Không thể trông đợi vào một vài thị trường xuất khẩu truyền thống mà cần đa dạng hóa thị trường. Hiện có nhiều thị trường chúng ta còn bỏ ngỏ hoặc khai thác chưa hiệu quả, như thị trường Trung Đông, châu Phi, một số nước châu Mỹ như Mexico, Canada, Chile... Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển thị trường trong nước để bảo đảm tiêu thụ được các sản phẩm do doanh nghiệp nội địa sản xuất" - ông Lê Đăng Doanh góp ý.