Cáo buộc gian lận visa
CNBC dẫn nguồn tin FBI ( Mỹ ) cho hay, FBI đang nghi ngờ rằng một nhà nghiên cứu sinh học Trung Quốc có tên Tang Juan đã nói dối về mối liên quan của mình đối với quân đội Trung Quốc (PLA) nhằm có được visa Mỹ. FBI khẳng định người này hiện đang trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.
Theo cáo buộc gửi tới tòa, Tang Juan đã được cấp visa không định cư vào hồi mùa thu năm ngoái để thực hiện nghiên cứu tại Đại học California, Davis. Nhưng sau khi các đặc vụ FBI phát hiện hình ảnh người phụ nữ này mặc đồng phục quân đội trên mạng, họ đã gọi điện phỏng vấn Tang Juan về vấn đề visa vào ngày 20/6. Tang Juan nói chưa bao giờ phục vụ trong PLA và không phải là Đảng viên Trung Quốc.
Sau buổi đối thoại với FBI, nhà nghiên cứu này đã tới thẳng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco và ở lại từ ngày 20/6 tới nay. Chính quyền địa phương đã đưa ra các cáo buộc liên bang về tội gian lận visa đối với Tang vào ngày 26/6.
"FBI đánh giá rằng, sau cuộc điều tra và thẩm vấn Tang vào ngày 20/6, Tang đã tới Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco và dường như vẫn ở đó cho tới nay," luật sư Mỹ viết trong hồ sơ gửi lên tòa án ngày 20/7.
Vụ việc xảy ra giữa lúc căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington đang gia tăng việc giám sát đối với những công dân Trung Quóc bị tình nghi là gián điệp kinh tế hoạt động tại Mỹ.
Ngày 22/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, Texas. Các quan chức cho biết đây là động thái nhằm bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ và "các thông tin bí mật". Ngày 21/7, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng hai công dân Trung Quốc đã cố gắng đánh cắp bí mật thương mại bằng cách xâm nhập vào các công ty nghiên cứu sản xuất vaccine cho bệnh COVID-19.
Gần đây, nhiều quan chức thuộc chính quyền của ông Trump, bao gồm giám đốc FBI Christopher Wray, đã lên tiếng chỉ trích hành động tin tặc của Trung Quốc và đánh cắp sở hữu trí tuệ từ các viện nghiên cứu Mỹ. Mỹ cũng đã có nhiều chính sách ngăn chặn hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc vì những lo ngại rằng hệ thống mạng không dây sử dụng công nghệ Huawei có thể được dùng để theo dõi người Mỹ.
Chi tiết về hoạt động của Tang tại lãnh sự quán Trung Quốc đã được hé lộ sau vụ một công dân Trung Quốc khác đã bị truy nã vì gian lận visa.
Điều tra của FBI
Trong bản đơn cáo buộc, luật sư Mỹ đã chỉ ra mối liên hệ giữa Tang và một số nhà nghiên cứu khác có liên quan tới quân đội Trung Quốc, đặc biệt là một trường đại học có tên FMMU.
"Tang Juan không phải là trường hợp đơn lẻ, mà dường như là một phần của chương trình thực hiện bởi PLA - và cụ thể là đại học FMMU và các tổ chức liên quan khác - để đưa các nhà khoa học quân sự tới Mỹ dưới danh nghĩa giả và mục đích giả để che giấu ý đồ thực sự. Có những bằng chứng cho thấy một nhà khoa học quân sự đã sao chép và đánh cắp thông tin từ viện nghiên cứu Mỹ để chuyển về Trung Quốc".
Trang Axios cho rằng việc sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để bảo vệ một người bị cáo buộc có tội là động thái bất thường đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Công ước Viên - ở điều khoản nói về những hành vi phù hợp của các nhà ngoại giao khi ở nước ngoài - quy định rằng nhân viên đại sứ quán hoặc nhân viên lãnh sự quán có quyền miễn trừ hình sự vẫn phải có trách nhiệm "tuân thủ luật pháp và quy định ở nước sở tại".
Phía Mỹ cho rằng: "Qua vụ việc của Tang, có thể thấy lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho một sĩ quan của PLA với mục tiêu để người này tránh bị xét xử ở Mỹ".
Phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc ở Washington DC vẫn chưa phản hồi về vụ việc.