Trước đó, OPIC đã đạt được các thỏa thuận với Nhật Bản và Úc. Trong một chia sẻ hôm 24-9, Chủ tịch OPIC Ray Washburne cho biết sau khi ký kết các thỏa thuận với cơ quan phát triển tài chính quốc tế của Nhật Bản và Úc, OPIC "đang đàm phán với Ấn Độ".
Theo South China Morning Post (SCMP), quan hệ hợp tác này sẽ giúp 3 quốc gia cải thiện quy trình đầu tư chung trong lĩnh vực năng lượng, vận chuyển, du lịch và cơ sở hạ tầng công nghệ. Những sự đầu tư này còn nhằm thu hút vốn tư nhân cho các dự án – những đầu tư mà, trong một vài trường hợp, có thể lớn hơn nhiều lần những đầu tư của 3 chính phủ.
Tầm ảnh hưởng của OPIC ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ gia tăng nếu dự luật "Sử dụng tốt hơn các khoản đầu tư dẫn đến Đạo luật phát triển năm 2018 " (BUILD 2018) được thông qua. Dự luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào hồi tháng 7 và sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện trong tuần này. Nếu thành luật, BUILD 2018 sẽ cho phép OPIC đầu tư vào các dự án phát triển thay vì chỉ cho vay.
Chủ tịch OPIC Ray Washburne. Ảnh: Reuters
5 năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiến "Vành đai, Con đường" nhằm xây dựng quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa trên khắp châu Á. Sáng kiến này, được mệnh danh là "Con đường tơ lụa" thế kỷ 21, còn nhằm kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi bằng các dự án cơ sở hạ tầng như cảng, đường, đường sắt và ống dẫn năng lượng. Bắc Kinh đã chi 40 tỉ USD để lập ra Quỹ Con đường Tơ lụa.
Myanmar là một trong những quốc gia nằm trong trung tâm của cuộc tranh giành lợi ích phát triển kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Công ty nhà nước Trung Quốc Citic Group đang chi khoảng 1,3 tỉ USD để hoàn thành giai đoạn đầu của dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu ở mũi Tây của bang Rakhine – Myanmar.
Trong khi đó, OPIC lên kế hoạch "bơm" 250 triệu USD cho Công ty viễn thông Apollo Towers Myanmar nhằm phát triển các tháp viễn thông trên khắp quốc gia này. Công ty này đã xây 1.800 tháp viễn thông kể từ năm 2014 và dự định xây thêm hơn 2.000 tháp trong giai đoạn hợp tác tiếp theo.
(Theo SCMP)