Theo CNBC, một lãnh đạo thuộc Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vừa yêu cầu Apple và Google gỡ nền tảng video ngắn TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng do lo ngại về vấn đề bảo mật. Trước đây, ứng dụng phổ biến thuộc sở hữu của công ty mẹ Trung Quốc ByteDance cũng từng phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt bởi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, Brendan Carr, một ủy viên của FCC, đã chia sẻ trên trang Twitter cá nhân bức thư gửi Giám đốc điều hành Apple Tim Cook và Giám đốc điều hành Alphabet, ông Sundar Pichai. Trong đó, ông nêu rõ TikTok đã không tuân thủ các chính sách của cả Apple và Google.
“TikTok không giống như vẻ bề ngoài. Nó không đơn thuần chỉ là một ứng dụng chia sẻ video hay meme hài hước, mà là “sói đội lốt cừu’’. Về cơ bản, TikTok hoạt động như một công cụ giám sát tinh vi và thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm”, ông Carr khẳng định.
Trong bức thư của mình, Brendan Carr cũng cho biết nếu Apple và Alphabet không xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng, cả 2 tập đoàn sẽ phải đưa ra lời giải thích chính đáng trước ngày 8/7.
“Các tuyên bố phải giải thích được rằng, việc truy cập dữ liệu người dùng cùng mô hình và hành vi gây hiểu lầm của TikTok không vi phạm bất kỳ chính sách nào của công ty’’, ông Carr nhấn mạnh. Trước đó, vào năm 2018, nhà lãnh đạo này đã được cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất vào FCC với nhiệm kỳ 5 năm.
Hiện Alphabet, Apple và TikTok chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Bài đăng của ông Brendan Carr nhằm vào TikTok
Hồi đầu tháng, ông Carr cũng trích dẫn một báo cáo của BuzzFeed News cho biết các kỹ sư người Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022.
Báo cáo này cũng bao gồm tuyên bố của đại diện phát ngôn TikTok: “Chúng tôi biết TikTok là một trong những nền tảng được xem xét kỹ lưỡng nhất về vấn đề bảo mật, và chúng tôi luôn muốn loại bỏ mọi nghi ngờ về tính bảo mật của dữ liệu người dùng Mỹ. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã thuê các chuyên gia người Mỹ, liên tục xác thực các tiêu chuẩn bảo mật và hợp tác với nhiều bên thứ ba uy tín, độc lập”.
Trước đó, hồi năm 2019, Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS) đã bắt đầu điều tra TikTok về vấn đề thu thập dữ liệu người dùng. Một năm sau, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa cấm TikTok hoạt động tại quốc gia này do lo ngại dữ liệu người dùng Mỹ có thể bị truy cập dễ dàng tại Trung Quốc. Dẫu vậy, TikTok vẫn liên tục khẳng định mình không bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng và cũng sẽ không làm vậy ngay cả khi được yêu cầu.
Trong năm 2021, TikTok là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất, đồng thời sở hữu hơn một tỷ người dùng trên toàn cầu. Ngoài ra, với doanh thu đạt gần 4 tỷ USD hồi năm ngoái, chủ yếu từ quảng cáo và dự kiến đạt 12 tỷ USD trong năm nay, quy mô TikTok đang ngày càng bành trướng, thậm chí bằng cả nền tảng mạng xã hội Twitter và Snap cộng lại , chỉ sau 3 năm kể từ khi nó bắt đầu đẩy mạnh quảng cáo.
Mỹ muốn Apple và Google loại TikTok ra khỏi các cửa hàng ứng dụng
Ngoài ra, TikTok còn đang lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử - một tham vọng đang dần làm mờ đi ranh giới giữa mạng xã hội và các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Nền tảng chia sẻ video này theo đó cho phép người bán thiết lập các cửa hàng kỹ thuật số tại Anh, Indonesia và Thái Lan. Hàng triệu người dùng sẽ có thể mua sản phẩm trực tiếp ngay trên ứng dụng mà không cần nhờ đến các nền tảng thương mại điện tử truyền thống. Sự bành trướng này được cho là một trong những yếu tố khiến giới chức Mỹ e ngại.