Một dự thảo luật mới được giới thiệu tại Thượng viện Mỹ hôm thứ ba vừa qua đặt ra mục tiêu hình thành nên một đối trọng của phương Tây đối với Huawei Technologies và làm suy giảm sự thống trị của Trung Quốc trên lĩnh vực mạng 5G toàn cầu.
Một trong những vấn đề lớn nhất trong kế hoạch của Mỹ nhằm đối đầu với sức mạnh của Trung Quốc trên lĩnh vực mạng 5G - hệ thống viễn thông thế hệ thứ 5, nhanh hơn, nhiều tính năng hơn - là họ không có những công ty có khả năng thay thế Huawei trên toàn cầu.
Gian hàng của Huawei tại CES 2020
Bản thân Mỹ không có bất kỳ đối trọng nào với Huawei; trong khi Nokia của Phần Lan, Ericsson của Thụy Điển, và thậm chí là cả Samsung của Hàn Quốc, đều không thể sánh ngang với công nghệ lẫn những bản hợp đồng béo bở mà Huawei đề xuất.
Đó chính là khoảng trống mà bản dự thảo mới của Thượng viện Mỹ tìm cách khép lại. Nếu được thông qua, đạo luật mới sẽ cho phép chi ra hơn 1 tỷ USD nhằm củng cố khả năng cạnh tranh của phương Tây, phân bổ phổ sóng mới, và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành công nghiệp viễn thông.
"Chúng ta đang ở một thời khắc quan trọng trong lịch sử để có thể định nghĩa tương lai mối quan hệ Mỹ - Trung trong thế kỷ 21, và chúng ta không thể cho phép các công ty viễn thông dưới sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc vượt mặt các đối thủ Mỹ được." - Thượng nghị sỹ Marco Rubio, người bảo trợ dự luật nói.
Ông Rubio nói thêm rằng những nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc thuyết phục các đồng minh nước ngoài đưa ra lệnh cấm Huawei tham gia vào các mạng di động của họ đã gặp trở ngại bởi thiếu vắng những sự thay thế khả thi, có chi phí chấp nhận được. Theo ông, những lựa chọn thay thế đó là rất cần thiết để có thể đối phó với "các công ty viễn thông nhà nước có mưu đồ xấu, tiềm ẩn một mối đe dọa rõ ràng và ngày một cao đến an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh".
Trong một buổi nói chuyện tại Thung lũng Silicon một ngày trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc lại chủ trương của các Thượng nghị sỹ liên quan việc loại trừ các nhà mạng Trung Quốc khỏi các hệ thống 5G tại phương Tây là đúng đắn.
"Trung Quốc mang đến những thách thức chưa từng có, đặc biệt đến ngành công nghiệp của các bạn" (ngành công nghệ) - ông Pompeo nói với nhóm lãnh đạo Thung lũng Silicon như vậy.
"Chúng tôi sẽ nhắc nhở các đồng minh và các đối tác chú ý đến những nguy cơ bảo mật và quyền riêng tư nghiêm trọng liên quan việc cho phép Huawei xây dựng các mạng 5G ngay bên trong các quốc gia của họ".
"Đây không phải là nhằm bán sản phẩm của Mỹ. Nó không phải là một nỗ lực thương mại của Mỹ. Nó là một nỗ lực an ninh quốc gia" - ông Pompeo nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại San Francisco hôm thứ hai vừa qua
Dự thảo luật nói trên là động thái mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm gây áp lực lên Huawei. Chính quyền Trump đã cấm các cơ quan chính phủ không được sử dụng các thiết bị Huawei; đưa hãng này vào danh sách đen gồm các công ty nước ngoài bị cấm mua công nghệ Mỹ; vận động các đồng minh không sử dụng trang thiết bị của Huawei trong các mạng 5G của họ; và thúc giục Canada lưu giữ bà Mạnh Vãn Chu, CFO của Huawei và là con gái nhà sáng lập Huawei, vì tội vi phạm lệnh cấm thực hiện hoạt động kinh doanh với Iran.
Và chính quyền Trump còn đang cân nhắc một thay đổi trong luật nhằm hạn chế việc bán cho Huawei những vật phẩm không mang tính nhạy cảm, như những con chip điện thoại di động tiêu chuẩn, được tạo ra ở các quốc gia thứ ba phụ thuộc vào công nghệ, phần mềm, hay linh kiện Mỹ.
Sáu Thượng nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa - những người đã giới thiệu dự thảo Đạo luật Viễn thông Đồng minh Chiến lược - nhấn mạnh rằng những động thái nhằm thách thức Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng trong Chính phủ Mỹ thời gian gần đây.
Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tạm ngừng cuộc thương chiến kéo dài suốt 18 tháng của họ bằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết hôm thứ Tư tuần này. Nhưng các khoản thuế quan của Mỹ vẫn được duy trì trên số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc. Và những nghi ngại của Mỹ đối với Trung Quốc nay đã lan sang cả ngành giáo dục, tư pháp, đầu tư, và gián điệp, cùng nhiều lĩnh vực khác nữa.
Dẫu vậy, ngay cả khi giới thiệu một dự thảo là điều tương đối dễ dàng, và dự thảo đó đã được lưỡng đảng ủng hộ, thì việc làm sao để nó được thông qua - đặc biệt trong tình hình hiện nay - là rất khó khăn.
Từ trước đến nay, chỉ có khoảng 5% số dự thảo được trở thành luật. Và thời điểm này rõ ràng không phải lúc thích hợp nhất.
Ngoài những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai nhánh hành pháp và tư pháp, dù sẵn sàng hay không thì các Thượng Nghị Sỹ vẫn dự định mở phiên tòa luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ 5 tuần tới. Và các chính sách, đường lối chinh trị cũng hiện đang được củng cố để kịp trước cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11.
CEO Huawei Nhậm Chính Phi
Huawei khẳng định dự thảo kia là một sai lầm.
"Huawei đã chi hàng tỷ USD vào nghiên cứu 5G, do đó thật không may khi thấy nước Mỹ phí phạm tiền thuế của người dân để sao chép những thành quả (của chúng tôi) ,khi mà có nhiều cách tiết kiệm chi phí hơn để đảm bảo tính an toàn của một hệ thống mạng" - Donald J. Morrissey, giám đốc các vấn đề chính phủ tại Mỹ của Huawei nói.
Ông đề xuất một hướng tốt hơn là "xác thực thông qua việc kiểm tra, thiết lập nên những tiêu chuẩn toàn cầu cao, và cung cấp bảo hiểm nguy cơ và các quy trình và tiêu chuẩn giảm thiểu nguy cơ nhằm đảm bảo an ninh mạng".
Các điều khoản trong dự luật bao gồm yêu cầu Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) chi ra ít nhất 750 triệu USD doanh thu tổ chức này nhận được từ việc đấu giá các giấy phép sử dụng phổ sóng mới nhằm hình thành một quỹ nghiên cứu và phát triển. Quỹ này sẽ được dùng để thúc đẩy cải tiến liên quan công nghệ không dây kiến trúc mở trên nền tảng phần mềm và thị trường di động băng thông rộng tại Mỹ.
Bên cạnh đó, dự luật còn kêu gọi hình thành một quỹ trị giá 500 triệu USD với sự hợp tác của các đối tác nước ngoài nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng "trang thiết bị bảo mật và đáng tin cậy trên toàn cầu" - và phải thường xuyên báo cáo lên quốc hội nhằm đảm bảo tiến trình đang được thực hiện một cách nghiêm túc.
Dự luật cũng đưa ra một bản kế hoạch nêu ra những bước mà các công ty viễn thông nhỏ, tại các vùng hẻo lánh - nhiều trong số đó đã phải mua trang thiết bị của Huawei bởi mức giá khá rẻ - có thể thực hiện để chuyển sang các thiết bị nguồn mở có nguồn gốc ngoài Trung Quốc. Dự luật còn thôi thúc Mỹ nắm quyền lãnh đạo mạnh mẽ hơn trong các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn quốc tế giữa quan ngại rằng các công ty Trung Quốc sẽ hình thành và thống trị các tiêu chuẩn quản lý công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo.
Cuối cùng, dự luật khuyến khích các nhà cung ứng nâng tầm quy mô và ứng dụng các tiêu chuẩn chung như một cách để giúp hạ giá thành sản phẩm và cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn so với trang thiết bị của Huawei.
"Cứ mỗi tháng trôi qua mà Mỹ không ra tay làm điều gì, Huawei ngày càng tiến đến vị thế nhà cung cấp 5G rẻ nhất, nhanh nhất, phổ biến nhất toàn cầu, trong khi các công ty và người lao động Mỹ và châu Âu đánh mất thị phần và công việc" - đồng bảo trợ, Thượng nghị sỹ Mark Warner, cho biết. "Quốc hội phải giải quyết những thách thức phức tạp về an ninh và khả năng cạnh tranh mà các công ty viễn thông do Trung Quốc chỉ đạo đang gây ra".
Ngành công nghiệp viễn thông và các tập đoàn bảo mật quốc gia cho biết dự thảo này là một bước đi đúng hướng. "Dự thảo đi thẳng vào trọng tâm của những quan ngại của cộng đồng tình báo Mỹ, vốn đang tìm cách bảo vệ các mạng lưới viễn thông cùng các cơ quan tình báo các nước đồng minh" - Kyle Sullivan, chuyên gia về Trung Quốc tại Crumpton Group, một tập đoàn tư vấn kinh doanh dựa trên thông tin tình báo cho biết. "Mang lại một giải pháp thay thế Huawei do Mỹ tạo ra sẽ giúp ích rất nhiều".
Lãnh đạo một công ty viễn thông, đề nghị giấu tên vì công việc liên quan chính phủ Mỹ, nói rằng các mục tiêu trong dự thảo có phần lộn xộn.
Theo ông, dù các nhà bảo trợ liên tục nhắc đi nhắc lại về việc loại trừ Huawei và thiết lập nên một giải pháp thay thế, nhưng nhiều khoản quỹ dường như nhắm đến việc tăng cường các hệ thống kỹ thuật mở, cho phép kết nối dễ dàng giữa mọi nhà mạng, có thể bao gồm của Huawei lẫn ZTE Corp (một nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc). "Hơi khó để hiểu được họ đang thực sự nói đến vấn đề gì liên quan việc phát triển" - ông nói.
Nhưng bản dự thảo tập trung khuyến khích các công ty phần mềm Mỹ và cho phép các công ty khác sản xuất phần cứng hiển nhiên không phải là một chiến lược tồi - ông nói thêm. "Nó thực ra trông khá thú vị và thực tế. Dự thảo có vẻ như tập trung tài nguyên để tận dụng năng lực cốt lõi của Mỹ. Hợp lý, bởi 1 tỷ USD dù sao cũng sẽ không thể giúp tạo ra một ông trùm về thiết bị mạng tại Mỹ được".
Tham khảo: Abacus