Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore vừa có chuyến thăm Việt Nam mới đây. Tại buổi gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Al Gore đã đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, hậu quả của biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng và Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất.
Do đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh phát triển năng lượng sạch, bền vững là bước đi quan trọng để giảm gây ô nhiễm môi trường cũng như hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Tại Mỹ, các nhà máy điện than đang dần bị thay thế bởi nhà máy điện gió, điện mặt trời. Chi phí giá thành của loại điện này cũng đang trở nên rẻ hơn. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn ở những nước như Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ.
Việt Nam được ông Al Gore đánh giá là có tiềm năng trong lĩnh vực này. Do vậy, bày tỏ với Thủ tướng Phúc, vị này cho rằng hai bên cần thúc đẩy hợp tác về năng lượng trong thời gian tới.
Trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam đang tập trung đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo và năng lượng mới, vừa đảm bảo nguồn năng lượng trong thời kỳ chuyển đổi, vừa đáp ứng cam kết quốc tế về phát thải nhà kính. Việt Nam cũng tập trung tìm kiếm nguồn vốn, công nghệ hiện đại đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Năng lượng sạch là vấn đề thường được người Mỹ đề cập khi làm việc với Việt Nam. Hồi đầu năm nay, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện mặt trời và điện gió bằng chính công nhân Việt Nam.
So với các quốc gia khác, Việt Nam đang có một vị trí đặc biệt thuận lợi để phát triển năng lượng sạch. Nguyên nhân Việt Nam đang có 45% điện năng từ thủy điện trong khi chỉ sử dụng khoảng 35% trong đó cho nhu cầu trong nước.
Dù có tiềm năng lớn, nhưng Việt Nam vẫn đang là điểm nóng của điện than, với dòng vốn đầu tư chủ yếu từ Trung Quốc.
Báo cáo Bùng nổ và thoái trào 2018: Giám sát các nhà máy điện than toàn cầu, thực hiện bởi ba tổ chức Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm, cho biết dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng vào năm 2017, nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được cấp phép và 10.635 MW đang xây dựng.