Hôm 16/12, Đại phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã thúc giục Bình Nhưỡng đáp lại lời đề nghị đàm phán của Washington. Thông tin này xuất hiện sau khi những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở lại trong những tuần gần đây, bắt nguồn từ các vụ thử vũ khí mới của Bình Nhưỡng cũng như cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và phía Triều Tiên.
Căng thẳng leo thang ở Triều Tiên làm dấy lên những quan ngại về việc Washington và Bình Nhưỡng trở lại thế đối đầu, làm lu mờ đi những thành tựu ngoại giao mà hai nước đạt được sau 2 cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Ông Biegun có mặt tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 15/12 khiến nhiều người suy đoán đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Mỹ đang cố gắng cứu vãn các cuộc đàm phán bằng cách tiếp cận với Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng đã đặt ra hạn chót với Mỹ về một cuộc đàm phán tiếp theo và đe dọa sẽ đi theo con đường mới nếu Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn về vấn đề Triều Tiên.
"Mỹ không có thời hạn chót. Chúng tôi chỉ có một mục tiêu. Hãy để tôi nói trực tiếp với những người đồng cấp bên phía Triều Tiên. Đây là lúc chúng ta làm phần việc của mình. Hãy hoàn tất nó. Chúng tôi ở đây và các bạn biết tiếp cận chúng tôi như thế nào", ông Biegun cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có 3 lần gặp mặt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để đàm phán về các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên nhưng không có nhiều tiến triển. Cuộc đàm phán cấp độ thực hiện do ông Biegun dẫn đầu đã thất bại hồi tháng 10 tại Stockholm.
Vào ngày 15/12, truyền thông Triều Tiên cho biết nước này đã thực hiện thành công một vụ thử nghiệm khác tại bãi phóng vệ tinh của nước này. Thử nghiệm mới nhằm mục đích kiềm tỏa và chế ngự mối đe dọa hạt nhân của Mỹ. Đây là vụ thử nghiệm thứ 2 Bình Nhưỡng tiến hành trong tuần qua.
Các quan chức Seoul lo ngại những động thái leo thang của cả đôi bên có thể khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở lại.
Giới phân tích cho rằng, chỉ có cơ hội rất nhỏ để Triều Tiên chấp nhận lời kêu gọi đối thoại của Biegun. Những tuyên bố nặng nề của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây là lý do dẫn tới nhận định này. Việc gạt bỏ thời hạn cuối năm, điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un đưa ra, là không thể chấp nhận với người Triều Tiên mà tuyên bố của ông Biegun lại thể hiện điều đó.