Ngày 17/4, trong chuyến thăm công nhân thép tại bang Pennsylvania, ông Joe Biden nói yêu cầu muốn tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế mới được đề xuất là 22,5%, tăng gấp ba lần so với mức hiện hành là 7,5%.
Theo Nhà Trắng, chính sách tăng thuế đối với nhôm và thép Trung Quốc là động thái bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Họ cho rằng đây là cách chống lại "hoạt động thương mại không công bằng".
Ông Lael Brainard - cố vấn kinh tế tại Nhà Trắng - cho rằng Tổng thống Mỹ chú trọng việc đầu tư, bảo vệ sản xuất và công nhân trong nước khỏi hoạt động xuất khẩu không công bằng của Trung Quốc.
"Trung Quốc đang trong tình trạng cung nhiều hơn cầu. Tình trạng dư thừa công suất gây rủi ro nghiêm trọng cho tương lai ngành thép của chúng ta", Lael Brainard phát biểu.
Hiện, thông điệp của Tổng thống Joe Biden được nhà sản xuất sắt thép trong nước ủng hộ. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ xảy ra rủi ro kinh tế. Thuế nhập khẩu tăng đồng nghĩa thép và nhôm đắt đỏ hơn, dẫn đến việc tăng chi phí, ảnh hưởng người dân Mỹ, tình trạng lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, ông Jared Bernstein - Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà trắng - cho rằng việc tăng thuế đối với kim loại nhập từ Trung Quốc là cần thiết, không ảnh hưởng lạm phát.
"Nếu không hành động từ bây giờ, Mỹ đối mặt rủi ro với lĩnh vực quan trọng của kinh tế", ông Jared Bernstein khẳng định.
Tính đến tháng 2/2023, tổng nhập khẩu thép của Mỹ trong vòng 12 tháng là 6,1 tỷ USD, với 3% đến từ Trung Quốc. Hiện, Mỹ ghi nhận thép Trung Quốc nhập vào quốc gia với mức chỉ bằng một nửa thép trong nước.
Viện Sắt thép Mỹ thông báo thép Trung Quốc đang chiếm 2,1% lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, đứng thứ 7 trong danh sách nhập khẩu. Nhà Trắng nêu quan điểm theo đuổi công cuộc phá giá đối với quốc gia "cố làm tổn hại thị trường nội địa".
Trước lúc yêu cầu tăng gấp ba lần thuế đối với nhôm và thép Trung Quốc so với mức hiện tại, Mỹ làm việc với Mexico để tránh tình trạng các công ty thép tại Trung Quốc thông qua Mexico để lách thuế nhập khẩu đến Mỹ.