Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Mỹ đạt mức trung bình trong 7 ngày thấp nhất về số ca tử vong do dịch Covid-19 hôm 10-5 kể từ tháng 7-2020 và trung bình số ca mắc mới mỗi ngày giảm xuống dưới mức 40.000 lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái.
Ông Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Trường ĐH Minnesota, cho biết Mỹ "chắc chắn đã dần phục hồi sau đại dịch" trên toàn quốc khi ghi nhận số ca mắc mới thấp kể từ năm ngoái. Tuy nhiên, các quan chức cũng cảnh báo sự cải thiện nói trên không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc.
Mỹ sắp đạt đến bước ngoặt trong đại dịch Covid-19 khi quốc gia này mở rộng hoạt động tiêm chủng. Ảnh: Reuters
Bà Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Trường ĐH George Washington, cho biết bản thân tỏ ra lạc quan về việc Mỹ "theo sát" Israel khi số ca mắc mới đã giảm đáng kể song song với hoạt động tiêm phòng được tăng cường.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, Mỹ có thể sẽ sớm nới lỏng các hạn chế hơn nữa, thậm chí là quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín. Một số bang miền Nam nước Mỹ cũng đã dỡ bỏ gần như tất cả hạn chế và các khu vực đô thị như TP New York và Washington dự kiến nới lỏng nhiều biện pháp vào cuối tháng này.
Liên quan đến vấn đề vắc-xin, Tổng thống Joe Biden hôm 11-5 cho biết gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông, đề nghị Mỹ giúp đỡ mua vắc-xin.
Tổng thống Mỹ không đề cập cụ thể tới nước nào. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế phàn nàn về việc chia sẻ số vắc-xin khổng lồ mà Mỹ đang thừa cho các nước khác thiếu vắc-xin.
Hồi tháng trước, ông Biden cam kết sẽ phân phối 60 triệu liều AstraZeneca cho Ấn Độ và Nhà Trắng trước đó cho biết họ cho nước láng giềng Mexico và Canada vay 4 triệu liều vắc-xin AstraZeneca.
Washington đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc điều phối vắc-xin, với số lượng thừa dự kiến lên tới hàng trăm triệu liều.
Ông Biden nhấn mạnh ưu tiên tiêm chủng cho người Mỹ nhưng nói rằng sẽ làm việc với các quốc gia khác vì có rất nhiều biến thể virus.
Mỹ sẵn sàng giúp Triều Tiên
Theo đài CNN, Mỹ có thể cân nhắc chia sẻ vắc-xin với Triều Tiên nếu nước này yêu cầu. CNN lưu ý việc chia sẻ vắc-xin có thể giúp nối lại đối thoại ngoại giao với Triều Tiên nhưng hiện vẫn chưa có yêu cầu hỗ trợ nào được đưa ra. Đài CNN dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden rằng Mỹ sẵn sàng xem xét các yêu cầu hỗ trợ nhân đạo của Triều Tiên nhưng những yêu cầu này cần đi kèm với việc giám sát hiệu quả để đảm bảo rằng số vắc-xin đến được với những người cần chúng.
Quan chức này nói thêm hiện chưa có kế hoạch chia sẻ vắc-xin với Triều Tiên và nước này đã từ chối đề nghị hỗ trợ từ Hàn Quốc và các cơ quan quốc tế khác, chẳng hạn như chương trình tiêm phòng COVAX. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay Triều Tiên đã tiến hành xét nghiệm gần 26.000 người và không phát hiện ca dương tính nào.