Fed dường như đã chuẩn bị sẵn sàng "đạn dược" để chiến đấu với lạm phát. Ở lần gần đây nhất đối mặt với tình trạng giá cả tăng vọt như hiện tại, NHTW Mỹ đã nâng lãi suất và kinh tế Mỹ phải hứng chịu nhiều đợt suy thoái. Liệu cuộc khủng hoảng vào đầu những năm 1980 có lặp lại hay không?
Nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế lo ngại rằng Fed có thể sớm tuyên bố rằng cuộc chiến chống lại lạm phát đã kết thúc, đặc biệt là khi Chủ tịch Jerome Powell thông báo rằng sau khi Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thì NHTW sẽ không đưa ra cách tiếp cận quá gay gắt.
Phố Wall rớt điểm mạnh ở phiên 5/5, xóa sạch mọi thành tích của ngày hôm trước. Nhà đầu tư có vẻ đang lo ngại về tác động của kế hoạch Fed giảm mua trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản sẽ ảnh hưởng đến lãi suất dài hạn, thị trường và nền kinh tế. Mối lo về định giá của cổ phiếu công nghệ cũng gây áp lực cho tâm lý nhà đầu tư.
Song, về cơ bản, ông Powell cũng đã loại trừ khả năng NHTW sẽ thực hiện những đợt tăng lãi suất cao hơn 0,5 điểm phần trăm. Trước cuộc họp hôm 4/5, nhà đầu tư đã dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất tới 75 điểm cơ bản trong khi NHTW chưa từng thực hiện đợt nâng nào lớn đến vậy kể từ năm 1994.
Một số nhà kinh tế và chiến lược gia thị trường giờ đây đang lo lắng rằng một cuộc suy thoái ngắn hạn là điều không thể tránh khỏi trước những đợt nâng lãi suất đầu tiên này. Tuy nhiên, nếu Fed tuyên bố giành chiến thắng quá sớm trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát và giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai, thì rủi ro lạm phát có thể bùng nổ trở lại và gây ra một đợt suy thoái sâu sắc, kéo dài hơn.
2 cuộc suy thoái như đầu những năm 1980 liệu có xảy ra?
Đây thực sự là một kịch bản đáng sợ. Năm 1980, kinh tế Mỹ chứng kiến cuộc suy thoái ngắn chỉ kéo dài 6 tháng, sau đó là một cuộc suy thoái 16 tháng diễn ra từ mùa hè năm 1981 đến mùa thu năm 1982.
Seema Shah – trưởng bộ phận chiến lược gia toàn cầu của Principal Global Investors, cho hay: "Cuộc suy thoái kép có thể xảy ra nếu Fed không thực sự cứng rắn khi kiểm soát lạm phát. NHTW cần làm điều gì đó quyết liệt. Nếu họ ‘kéo phanh’ quá nhanh thì có khả năng lạm phát sẽ bùng phát trở lại, giống như giai đoạn đầu những năm 1980."
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp chính sách mới nhất, ông Powell bày tỏ sự tin tưởng rằng NHTW có thể thực hiện đợt "hạ cánh mềm". Điều này có nghĩa là tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại, nhưng không hoàn toàn khiến tăng trưởng kinh tế trượt dốc.
Dẫu vậy, các chuyên gia lại bày tỏ sự nghi ngại.
Daniel Dolan – nhà sáng lập và thành viên ban giám đốc của Dolan McEniry, cho hay: "Đợt ‘hạ cánh cứng’ hoàn toàn có thể xảy ra và chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho điều đó. Khả năng cao một cuộc suy thoái kép sẽ xuất hiện."
Trong bối cảnh này, Fed cần khuyến nghị nhà đầu tư và người tiêu dùng nên kiên nhẫn. Ngay cả khi lạm phát dường như được kiểm soát trong ngắn hạn, thì việc nâng lãi suất của Fed phải mất đến vài tháng mới thực sự tác động đến giá cả và chi tiêu của người tiêu dùng.
John Leer – nhà kinh tế trưởng tại Morning Consult, cho hay: "Chính sách tiền tệ là một công cụ không thực sự sắc bén nhưng vẫn mất một khoảng thời gian để quan sát việc nâng lãi suất sẽ có tác động ra sao."
Fed nâng lãi suất mạnh tay hơn sẽ "dập tắt" lạm phát?
Nếu Fed có những bước đi thận trọng hơn cần thiết và thực hiện nâng lãi suất trong một khoảng thời gian dài hơn, thì nền kinh tế chắc chắn sẽ giảm tốc. Điều này cũng tăng khả năng xảy ra suy thoái, có thể trong ngắn hạn và không quá sâu sắc. Nguyên nhân là Fed muốn nâng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát cho đến khi giá cả về mức bình thường hơn và ở phạm vi 2-3% hàng năm.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng Fed có thể sẽ sớm dừng lộ trình nâng lãi suất vì giới chức NHTW cảm thấy việc giảm tỷ lệ lạm phát xuống khoảng 3-4% là đủ để tiếp tục giúp nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, đây lại là điều khiến các chuyên gia cho rằng sẽ là nguyên nhân của một cuộc suy thoái sâu sắc.
Dean Smith – chiến lược gia trưởng của công ty đầu tư FolioBeyond, nhận định: "Cuộc suy thoái kép là điều mà chúng tôi cho rằng sẽ là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Sự tự tin trong việc kiểm soát lạm phát đến từ đâu? Fed làm sao có thể kiểm soát mọi chi tiết? Cách duy nhất là tăng lãi suất cho đến khi lạm phát hoàn toàn được chế ngự."
Dẫu vậy, một số người vẫn kỳ vọng rằng Fed có thể cân bằng giữa việc thắt chặt chính sách và tạo ra đợt "hạ cánh mềm". Ông Powell đã nhận được sự ủng hộ của Phố Wall vì đã trình bày rõ ràng về những gì Fed sẽ làm và không làm. Do đó, những "bí ẩn" về lộ trình nâng lãi suất của Fed là không có.
Mona Mahajan – chiến lược gia đầu tư cấp cao của Edward Jones, cho biết: "Fed có cơ hội để thực hiện đợt ‘hạ cánh mềm’. Nhưng NHTW sẽ phải quyết liệt hơn và nền kinh tế trong một thời gian chưa phải ứng phó với động thái tăng lãi suất nhanh chóng như vậy. Chúng ta sẽ quan sát xem liệu sự gián đoạn có xảy ra hay không."
Tham khảo CNN