Theo đó, Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã được Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản, Tổng cục Hải quan là chủ dự án.
Được biết, thời gian thực hiện dự án là 5 năm, tổng vốn đầu tư dự án là 22,225 triệu USD trong đó vốn ODA không hoàn lại là 21,785 triệu USD ( tương đương gần 500 tỷ đồng), vốn đối ứng của Việt Nam là 440 nghìn USD (tương đương 10 tỷ đồng).
Trong đó, Hoa Kỳ sẽ tài trợ 21,785 triệu USD cho Việt Nam nhằm cải cách, chuẩn hoá, hài hoà và đơn giải hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO FTA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Mục tiêu cụ thể của dự án là triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Đồng thời, tạo thuận lợi đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, áp dụng quản trị rủi ro nhằm tạo thuận lợi thương mại cũng như thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực cho các cán bộ hải quan và quan hệ hợp tác giữa hải quan và khu vực tư nhân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tạo thuận lợi thương mại
Phát biểu tại lễ khởi động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, các biện pháp tạo thuận lợi thương mại mang đến lợi ích to lớn cho các quốc gia, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.
Với cam kết về một chính phủ liêm chính, kiến tạo, Chính phủ Việt Nam đã cam kết tạo một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ đã thông qua cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN từ cuối năm 2014. Đến nay, hệ thống một cửa quốc gia đã kết nối với 5 nước ASEAN và cùng các nước này trao đổi chứng nhận kiểm dịch điện tử cũng như chứng nhận xuất xứ mẫu D.
Phó Thủ tướng đánh giá, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính và USAID triển khai dự án một cách tổng thể, thực chất.
Giám đốc USAID tại Việt Nam, ông Michael Greene nhìn nhận, sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương chính là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công dự án. Ngoài ra, việc thực hiện có hiệu quả Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.