Trong “Kẻ lừa đảo trên Tinder”, nhân vật chính giả làm trùm kim cương giàu có và sang chảnh, gã dụ dỗ phụ nữ trên mạng sau đó lừa họ hàng triệu USD. Dựa trên một câu chuyện có thật, những tình tiết trong phim phần nào phản ánh hiện thực xã hội ngày nay. Các vụ lừa tình, lừa tiền đang xảy ra thường xuyên, làm tan vỡ trái tim của nhiều nạn nhân và cả tài khoản ngân hàng của họ nữa.
Chúng ta đã “tiến hóa” từ những mục kết bạn phương xa trên báo chí đến các ứng dụng hẹn hò như Tinder. Đây còn là những kênh lừa đảo phổ biến.
Các tài khoản giả mạo, ảnh và video cũng giả, những câu chuyện đẫm nước mắt từ kẻ lừa đảo… đều nhằm mục đích tạo ra sự thương cảm từ phía “con mồi”. Các kịch bản lừa tình, lừa tiền cũng tinh vi hơn nhiều. Trước đây, người dùng thường bị lừa tham gia các phiên chat, khoe cơ thể qua webcam rồi sau đó bị tống tiền. Còn hiện tại, các mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò trở thành công cụ cho tội phạm.
Theo Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC), các vụ lừa đảo liên quan đến tính ái đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021, gây thiệt hại 547 triệu USD chỉ riêng tại Mỹ. Dữ liệu của nhà chức trách Mỹ trong 5 năm qua cho thấy con số này cao hơn gần 80% so với năm 2020 và xu hướng tiếp tục gia tăng. Tổng cộng, người dùng mất ít nhất 1,3 tỷ USD. Trung bình mỗi nạn nhân mất 2.400 USD.
Một xu hướng đáng chú ý là những tay lừa tiền đang nhắm đến tiền ảo. Chẳng hạn, chúng sẽ trò chuyện với nạn nhân đủ lâu để nhận được sự tin tưởng, sau đó đưa ra các cơ hội kinh doanh béo bở nhưng gấp gáp. Chúng mời gọi nạn nhân đầu tư vào một sản phẩm tài chính hay sàn tiền ảo để được “x2, x3” tài khoản.
Vấn đề là số tiền gửi vào ví của kẻ lừa đảo không bao giờ được đầu tư hay sinh lời, hoặc nạn nhân bị lừa tải ứng dụng giao dịch tiền ảo giả, dẫn đến bị đánh cắp tiền trong tài khoản hay dữ liệu nhạy cảm. FTC cho biết tổn thất trung bình của người dùng trong các vụ lừa đảo tiền ảo là gần 10.000 USD. Năm 2021, các vụ lừa tình liên quan đến tiền ảo gây thiệt hại 139 triệu USD, tăng gấp 5 lần năm 2020 và hơn 25 lần năm 2019.
Theo ZDN