Là người phát biểu đầu tiên tại Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC hôm 17-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không bỏ qua cơ hội chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và khẳng định không ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại hoặc chiến tranh lạnh mới.
"Chúng ta phải nói không với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương" - ông Tập nhấn mạnh, ám chỉ chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhân dịp này, ông Tập cũng bảo vệ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) khi khẳng định nó "không phục vụ bất kỳ chương trình nghị sự địa chính trị bí mật nào, không nhằm vào ai, loại trừ bất kỳ ai hoặc không phải là cái bẫy như một số người gán cho nó".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC. Ảnh: Reuters
Phát biểu không lâu sau ông Tập, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington sẽ không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại cho đến khi Bắc Kinh chịu thay đổi hướng đi. "Trung Quốc lợi dụng Mỹ trong nhiều năm qua và những ngày đó đã chấm dứt. Chúng tôi đã đánh thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng hơn gấp đôi con số đó" - ông Pence cảnh báo.
Phó Tổng thống Mỹ một mặt nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang mạnh hơn bao giờ hết, mặt khác không quên công kích nhiều dự án liên quan đến BRI có chất lượng thấp và khiến các quốc gia đang phát triển không thể trả được các khoản vay từ Trung Quốc. "Đừng chấp nhận những khoản nợ nước ngoài có thể gây tổn hại đến chủ quyền" - Pence kêu gọi.
Theo trang Bloomberg, ông Pence nói với các đại biểu rằng Mỹ đang cung cấp cho các nước trong khu vực một "lựa chọn tốt hơn" về quan hệ kinh tế và ngoại giao so với hướng tiếp cận "áp đặt" của Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, nhà lãnh đạo này cho biết sẽ bắt tay với Papua New Guinea và Úc trong việc tái phát triển căn cứ hải quân trên đảo Manus của nước chủ nhà APEC năm nay.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC. Ảnh: Reuters
Trong lúc một số đồng minh, như Úc, hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, họ cũng lo ngại về lập trường thương mại của chính quyền ông Trump.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã sử dụng bài phát biểu tại hội nghị APEC nói trên để chỉ trích mạnh mẽ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và mời gọi các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo ông, chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai và cần được giải quyết thông qua đàm phán hơn là thuế quan ăn miếng trả miếng.
Trong dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt giữa các nền kinh tế thành viên APEC về vấn đề thương mại, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi sân chơi công bằng hơn về thương mại giữa các nước giàu và đang phát triển. Theo nhà lãnh đạo này, các nước cần đánh giá lại về toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế vì xu hướng này đang khiến một số người bị bỏ lại phía sau và làm gia tăng sự bất bình đẳng.
"Lợi ích của thương mại tự do, công bằng và sự hội nhập kinh tế đã bị gián đoạn, thể hiện qua sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu và chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn" - ông Mahathir nhận định.