Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 14-1 tiếp tục áp lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức và các công ty lớn nhất của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp biển Đông.
Ban điều hành một số công ty nhà nước, giới chức chính phủ và quân đội Trung Quốc, cùng với Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ đối mặt với các biện pháp hạn chế mới, bao gồm hạn chế thị thực, vì nghi vấn sử dụng hành vi dọa nạt nhằm vào các nước tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump còn bổ sung 9 công ty khác của Trung Quốc, bao gồm tập đoàn sản xuất điện thoại Xiaomi, vào danh sách những thực thể do quân đội Trung Quốc kiểm soát hoặc sở hữu. Theo đó, kể từ ngày 11-11-2021, giới đầu tư Mỹ sẽ không được phép rót vốn vào những công ty này.
Nhấn mạnh những động thái trên nằm trong chuỗi hành động bổ sung của Washington nhằm "duy trì một biển Đông cởi mở và tự do", Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 14-1 tuyên bố quốc gia của ông sẽ tiếp tục hành động cho đến khi "Bắc Kinh chấm dứt hành vi dọa nạt".
Ảnh chụp giàn khoan của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ở TP Thượng Hải trước khi được đưa ra biển Đông Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross khẳng định CNOOC đóng vai trò như "một kẻ bắt nạt cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm đe dọa các nước láng giềng" trong lúc quân đội Trung Quốc "tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách dân sự - quân sự hợp nhất của chính phủ". Bộ Thương mại Mỹ đã đưa CNOOC vào danh sách đen kinh tế nhằm hạn chế quyền tiếp cận của tập đoàn này đối với các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ. Với mục đích tương tự, Bộ Thương mại Mỹ cũng liệt công ty hàng không Skyzizon (Trung Quốc) vào "Danh sách người dùng quân sự cuối" (MEU) vì công ty này có khả năng phát triển các sản phẩm quân sự, bao gồm động cơ máy bay.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Keith Krach, chính quyền Tổng thống Trump nhiều khả năng không đưa thêm các công ty khác của Trung Quốc vào danh sách đen trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Danh sách đen của chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua tập trung vào những công ty Trung Quốc có quan hệ quân sự và giá trị chiến lược đối với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp đó, chẳng hạn Công ty Sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) - nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc bị đưa vào danh sách hồi cuối năm ngoái. Theo Bloomberg, giá cổ phiếu của Xiaomi - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 Trung Quốc - đã giảm sâu kỷ lục 10% sau thông báo của chính quyền Tổng thống Trump.
Bắc Kinh "phản pháo" rằng Washington chính trị hóa, địa chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại; viện cớ an ninh quốc gia để lạm dụng quyền lực nhà nước trong chiến dịch đàn áp công ty nước ngoài. Những diễn biến trên cho thấy tròn 1 năm sau lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức cao chưa từng thấy - theo nhà phân tích Nick Marror của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) ở Hồng Kông.
Trong khuôn khổ của thỏa thuận được ký vào ngày 15-1 năm ngoái, Washington nhất trí cắt giảm một số thuế quan để đổi lấy cam kết của Bắc Kinh về việc mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ trong trong 2 năm. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, Trung Quốc chưa thể bắt kịp tiến độ mua hàng trong khi thâm hụt thương mại giữa họ với Mỹ ngày càng tăng. Tổng thống Trump phát động chiến tranh thương mại vào tháng 7-2018 với mục tiêu "bảo vệ việc làm Mỹ" nhưng theo nghiên cứu được Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung (USCBC) công bố hôm 14-1, cuộc chiến này đến giờ đã lấy đi 245.000 việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.