CNBC dẫn lời Tamas Varga, nhà phân tích cao cấp tại PVM Oil Associates, cho biết, triển vọng giá dầu có thể lên tới 100 USD trong bối cảnh Tổng thống Mỹ muốn trừng phạt dầu mỏ Iran. Hồi đầu tuần, ông Trump kêu gọi OPEC tăng cường sản xuất để ngăn chặn dầu tăng giá nhưng các nước OPEC và ngoài OPEC khó có khả năng đáp ứng lời kêu gọi này.
Trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại sau thời gian dài lình xình, Ả rập Xê út và các đồng mình đã bác bỏ việc tăng sản lượng trong một cuộc họp ở Algeria hồi tuần trước. Khác với Mỹ, các nước dựa nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ luôn muốn giá dầu được duy trì ở mức cao, nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu về trên mỗi thùng dầu.
"Sự không sẵn sàng của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhằm bù vào lượng dầu thiếu hụt từ Iran sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng thiếu trong quý IV năm nay. Kết quả của việc này có thể dẫn đến giá dầu tăng lên tới 100 USD/thùng trong năm 2018", ông Tamas Varga nhấn mạnh trong một báo cáo gửi khách hàng hôm 27/9.
Cùng ngày, dầu Brent chuẩn quốc tế được giao dịch quanh mức 81,87 USD/thùng, tăng khoảng 0,65% trong khi dầu WTI được giao dịch ở mức 72,32 USD/thùng, cao hơn khoảng 1%.
Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 của OPEC trong vòng 5 tuần tới. Bất cứ biện pháp trừng phạt rộng rãi nào cũng ngay lập tức gây ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu mỏ của Iran dù chưa thể xác định chính xác số lượng dầu thô sẽ mất đi từ ngày 4/11 tới. Vào đầu năm 2018 đến mùa hè vừa qua, Iran xuất khẩu 2,7 triệu thùng dầu thô, tương đương gần 3% mức tiêu thụ toàn cầu mỗi ngày.
Trong khi đó, Ả rập Xê út, một tên tuổi lớn khác của OPEC, được cho là sẵn sàng bổ sung thêm lượng dầu thiếu hụt từ Iran với khoảng 550.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này được đánh giá là có ít năng lực dự trữ để bù đắp cho sự sụt giảm dầu thô của Iran. Và phần nước này có thể bù đắp cũng chưa đầy ¼ số dầu Iran xuất khẩu mỗi ngày.
Trong khi đó, OPEC cũng tuyên bố sẽ tăng sản lượng khi nhu cầu tăng. Tuy nhiên, đây là tuyên bố rất chung chung. Thiếu năng lực dự phòng chính là yếu tố mấu chốt và OPEC có thể phải mất nhiều tháng để có thể khắc phục được những thiệt hại do thiếu nguồn cung từ phía Iran.
Kể từ khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã xấu đi trông thấy. Bất chấp những nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này.