Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 203.220 tấn, tương đương 121,04 triệu USD, tăng mạnh 348,4% về lượng và tăng 300,2% về kim ngạch so với tháng 11.
Tính chung cả năm 2023, nước ta nhập khẩu hơn 1,86 triệu tấn đậu tương, trị giá đạt gần 1,17 tỷ USD, tăng 1,1% về lượng nhưng giảm 8,3% về kim ngạch so với năm trước. Giá nhập khẩu bình quân đạt 629 USD/tấn, giảm 9,3% so với năm 2022.
Xét về thị trường, Brazil là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2023, quốc gia này đã xuất sang Việt Nam 987.569 tấn đậu tương, tương đương 586,08 triệu USD, chiếm 53,2% trong tổng lượng và chiếm 50,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước. Tuy nhiên giảm 7% về lượng, giảm 20,7% về kim ngạch.
Đáng chú ý, ông trùm nông sản của thế giới đang tăng xuất khẩu đậu tương đến Việt Nam với giá ưu đãi . Cụ thể, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ đạt 677.749 tấn, tương đương 450,72 triệu USD, tăng 14% về lượng và tăng 10,4% về kim ngạch. Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2 của nước ta với thị phần chiếm gần 40% cả về lượng lẫn kim ngạch. Giá nhập khẩu bình quân đạt 665 USD/tấn, giảm 5% so với năm trước.
Trong báo cáo vào cuối tháng 12, Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của quốc gia này từ tháng 9/2023 tới tháng 8/2024 sẽ nâng lên gần 112,4 triệu tấn do năng suất có thể tăng thêm 20,18 kg/ha ở mức 3.355 kg/ha.
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, Việt Nam nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm của 2 ngành này ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn để xuất khẩu , đang ngày càng tăng.
Đối với quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc, đậu tương cũng đang chứng kiến nhập khẩu tăng mạnh. Vào thời điểm cuối năm 2023, Trung Quốc bất ngờ mua mạnh đậu tương, một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Động thái này tương tự như hồi Trung Quốc tăng cường ký các hợp đồng nhập khẩu ngô Mỹ nửa đầu năm 2021 và đã khiến giá nông sản thế giới tăng vọt lên mức cao nhất gần một thập kỷ.
Nguồn cung sẵn có toàn cầu ở mức thấp và tình hình thời tiết kém khả quan có thể ảnh hưởng tới mùa vụ của Nam Mỹ đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc đẩy mạnh thu mua đậu tương.
Vụ đậu tương của Argentina năm ngoái đã bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hán kéo dài. Mặc dù sản lượng niên vụ 23/24 dự báo sẽ hồi phục trở lại mức 48 triệu tấn từ mức 25 triệu tấn nhưng nguồn cung vụ mới hiện vẫn chưa được thu hoạch. Lượng hàng sẵn có của Argentina vẫn hạn chế, ít nhất cho tới đầu tháng 3 khiến giá đậu tương Argentina đang cao hơn nhiều so giá đậu tương Brazil được chào bán trên thị trường quốc tế.
Tận dụng lợi thế cạnh tranh về giá, Brazil đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trong vài tháng qua. Tuy nhiên, cũng như Argentina, lượng hàng từ quốc gia Nam Mỹ này sẽ dần trở nên khan hiếm cho tới giai đoạn thu hoạch vào đầu năm sau. Ngoài ra, tình hình mùa vụ hiện tại cũng đang trải qua không ít khó khăn. Kể từ khi bắt đầu gieo trồng, đậu tương Brazil luôn phải trải qua các điều kiện thời tiết bất lợi. Thậm chí, một số khu vực sản xuất đang đứng trước nguy cơ phải trồng lại hoặc chuyển sang các loại nông sản khác.