Mỹ, Anh đồng lòng, EU từ chối làm theo
Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế với Moscow, một động thái được kỳ vọng sẽ tước đi nguồn thu của Nga. Cùng với Mỹ, Anh cũng đã chính thức cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga. Tuy nhiên, liên minh châu Âu (EU) đã không làm theo. Thay vào đó, họ công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong vòng 1 năm.
Quyết định của Mỹ mở ra một mặt trận mới trong nỗ lực cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng chủ chốt của Nga cũng như nhằm vào giới tài phiệt có quan hệ thân thiết với chính phủ nước này.
"Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ và người dân Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh khác vào cỗ máy chiến tranh của Nga", ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận của Mỹ và Anh sẽ ít gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu hơn. Thực tế, các lô hàng của Nga tới 2 thị trường này rất nhỏ.
Lệnh cấm được đưa ra sau nhiều ngày tranh luận trong nội bộ Chính quyền Biden cũng như giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây về giá trị của việc cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Mỹ muốn gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga nhưng lại ngại gây ra một cú sốc mới với thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đã tăng rất nhanh những ngày qua vì căng thẳng Ukraine.
Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết họ sẽ loại bỏ dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay. Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng phụ trách kinh tế của Anh, cho biết: "Chính phủ sẽ có một quá trình chuyển đổi có trật tự khỏi dầu nhập khẩu của Nga".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak lại cho rằng người tiêu dùng sẽ phải trả giá cho lệnh cấm này, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Vương quốc Anh ít phụ thuộc vào dầu Nga hơn so với phần lớn châu Âu. Nguồn cung dầu Nga chiếm 8% tổng lượng dầu nhập khẩu vào Anh. Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga vào cuối tuần này.
Lo ngại tác động kinh tế
Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, Đức vẫn chống lại mọi lệnh cấm của EU nhằm vào dầu thô Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng ông muốn những áp lực "bền vững" nhằm vào Moscow để không gây ra việc gia tăng chi phí quá lớn cho người tiêu dùng nước này. Ông cũng khẳng định việc thay thế năng lượng Nga "không thể thực hiện một sớm một chiều".
Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói rằng Washington hoàn toàn thấu hiểu khi nhiều "đồng minh và đối tác châu Âu" không thể tham gia cùng Mỹ trong việc áp đặt lệnh cấm nhằm vào dầu của Nga. Tuy nhiên, Mỹ cũng khẳng định hợp tác chặt chẽ với đối tác và đồng minh để phát triển một chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Ukraine ngay lập tức hoan nghênh quyết định này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nước này cung cấp 8 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường toàn cầu. Khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu, trong khi đó chỉ có 2% tới Anh và 8% tới Mỹ. Khoảng 20% lượng dầu xuất khẩu của Nga tới Trung Quốc.
Dầu Brent vượt 131 USD/thùng
Những ngày qua, Tổng thống Joe Biden đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ lưỡng đảng Quốc hội Mỹ trong việc trừng phạt dầu mỏ của Nga. Không chỉ người Cộng hòa mà cả người Dân chủ, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cũng ủng hộ lệnh cấm này. Tuy nhiên, một lo ngại bao trùm là việc cấm vận Nga sẽ khiến giá nhiên liệu ở Mỹ tăng vọt, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát, vốn đang đạt đỉnh trong nhiều thập niên qua.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh việc này sẽ khiến giá cả ở Mỹ tăng cao hơn nhưng các công ty năng lượng Mỹ không nên tận dụng lợi thế của giá. "Không có thời gian của việc trục lợi hoặc làm giá", ông Biden nhắn nhủ các công ty năng lượng Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cấm tài trợ hoặc tào điều kiện cho các công ty nước ngoài đang đầu tư vào sản xuất năng lượng Nga. Một quan chức tài chính của Chính quyền Biden cho biết lệnh cấm này sẽ có hiệu lực ngay lập tức nhưng sẽ để thời hạn 45 ngày cho các hợp đồng đang được thực hiện.
Lệnh cấm của Mỹ được công bố không lâu sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng khi phương Tây cấm vận dầu Nga. Moscow cũng nhấn mạnh họ có thể lựa chọn cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ông Nord Stream 1 nhưng đã không làm vì "không ai được lợi từ điều đó".
Tuy nhiên, phía Nga cũng nhấn mạnh việc các chính trị gia phương Tây liên tiếp công kích Moscow đang đẩy Nga tới với quyết định này.
Hiện tại, dầu Brent đã tăng lên 131 USD/thùng khi Mỹ ban hành lệnh cấm. Dầu WTI cũng tăng lên 127 USD. Giá xăng ở Mỹ đạt mức kỷ lục 4,17 USD/gallon.