Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng ô tô vừa thu về hơn 1,44 tỷ USD trong tháng 3, tăng mạnh 13,2% so với tháng 2. Lũy kế trong quý 1 mặt hàng này đã thu về hơn 3,9 tỷ USD, tăng 9%, đồng thời là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 5 của Việt Nam.
Xét về thị trường, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng này của Việt Nam với hơn 788 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Mỹ với hơn 749 triệu USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý đây cũng chính là một trong số những mặt hàng không bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ.
Cụ thể, theo công bố của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào nước này từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10%. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn. Với Việt Nam, mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp là 46% .
Tuy nhiên, trong phần phụ lục II sắc lệnh điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng của Mỹ quy định một số hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng .
Những mặt hàng này bao gồm:
- Tất cả các mặt hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh khác
- Các mặt hàng thép/nhôm và ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo quy định khác (trong đó, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo mục 232 từ năm 2018 đến nay).
- Tất cả các sản phẩm khác được liệt kê trong Phụ lục II của lệnh này, bao gồm đồng, dược phẩm, đồ gỗ, gỗ xẻ, chất bán dẫn, một số khoáng sản quan trọng, năng lượng và sản phẩm năng lượng không có sẵn tại Mỹ.
- Tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế trong tương lai.
- Vàng thỏi.
Như vậy, các mặt hàng như ô tô, phụ tùng ô tô, vàng thỏi, nhôm, thép, đồng, gỗ xẻ, chất bán dẫn, dược phẩm...của tất các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế nhập khẩu đối ứng mới của Mỹ.
Ngoài ra, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 417 triệu USD. Theo chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), các DN của Việt Nam có thế mạnh lớn trong sản xuất dây điện cho ô tô và thực tế đang là quốc gia xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới về mặt hàng này, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 350 doanh nghiệp sản xuất , lắp ráp ô tô, trong số đó chiếm trên 60% là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô (214)… Việt Nam là đối tác xuất khẩu linh kiện với nhiều cường quốc sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức… Thông thường, giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam gấp 1,5 - 2 lần giá trị nhập khẩu linh kiện ô tô mà các doanh nghiệp Việt nhập về.
Hiện các trung tâm ô tô lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU và ngay cả Thái Lan cũng đang nhập khẩu dây cáp điện ô tô từ Việt Nam, khẳng định vị thế mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.