Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy hôm 27-10 cảnh báo động thái áp giá trần khí đốt của Nga có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU). Do đó, Na Uy phản đối đề xuất của EU về việc thiết lập mức trần giá đối với khí đốt tự nhiên của Nga.
"Điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề mà châu Âu đang phải đối mặt, đó là tình trạng thiếu khí đốt" - đài RT dẫn phát biểu của phát ngôn viên Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy Stein Grimsrud trên tờ Izvestia , cho hay.
Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho EU sau khi dòng chảy của Nga bị thu hẹp do các lệnh trừng phạt và gặp các vấn đề kỹ thuật. Cao ủy năng lượng EU Kadri Simson mới đây cho biết thị phần khí đốt Nga xuất sang châu Âu đã giảm từ 41% xuống còn 9% kể từ đầu năm.
Oslo từng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU với khoảng 20% nhu cầu. Na Uy mới đây cũng đã phê duyệt giấy phép khai thác khí đốt tại 7 mỏ mới ngoài khơi, để tăng sản lượng khí đốt vào năm 2022 lên 8% so với năm 2021.
Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy xác nhận họ có kế hoạch cung cấp khoảng 122 tỉ m3 khí đốt cho EU trong năm nay. Trước tháng 2-2022, Nga từng cung cấp khoảng 130 tỉ m3 bằng đường ống và 20 tỉ m3 dưới dạng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho EU.
Dù sản lượng cung cấp của Na Uy không nhỏ nhưng một số nhà phân tích cho biết Oslo không có khả năng cung cấp đủ khí đốt cho EU để bù đắp lưu lượng thiếu hụt khí đốt từ Nga sang châu Âu.
"Na Uy không thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra do nguồn dự trữ hạn chế. Lợi nhuận từ khí đốt của Na Uy đã gia tăng do giá khí đốt tăng mạnh và nước này không có kế hoạch tham gia vào việc áp giá trần khí đốt của Nga. Oslo đề nghị các đối tác châu Âu làm việc trên cơ sở hợp đồng dài hạn" - Đại sứ quán Nga tại Na Uy nói với tờ Izvestia .
Một số tàu chở dầu ở Vịnh Nakhodka, gần bến dầu thô Kozmino bên ngoài thành phố cảng Nakhodka - Nga ngày 13-6. Ảnh: REUTERS
Theo Bloomberg , giới chức Mỹ cũng buộc phải giảm quy mô áp trần dầu Nga vì lo ngại rủi ro trên thị trường tài chính biến động bởi giá dầu.
Nguồn tin cho biết thay vì siết nguồn thu của Nga bằng cách áp mức trần nghiêm ngặt lên giá bán và được theo dõi bởi một "hội đồng gồm nhiều quốc gia mua dầu", Mỹ và EU có thể đưa ra mức trần cao hơn, sự theo dõi cũng lỏng lẻo hơn. Theo đó, chỉ các nước G7 (gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) và Úc là phải cam kết tuân thủ.
Còn theo Reuters, kế hoạch ban đầu của Mỹ sẽ áp trần giá dầu Nga trong khoảng 40-60 USD một thùng. Tuy nhiên, hiện họ đã tính toán lại, dự định áp giá trần khoảng từ 63-64 USD/thùng đối với dầu Nga.