Giảm mạnh lãi vay với DN sản xuất lĩnh vực ưu tiên
Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2018, các nhà băng trong khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một vài NHTM cổ phần tư nhân đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Trong đó, đầu tiên phải kể đến Agribank, khi ngay tại hội nghị của ngành ngân hàng, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch HĐTV Agribank - đã công bố luôn từ ngày 10.1.2018, Agribank đồng loạt giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay của khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với nhóm khách hàng này chỉ còn tối đa 6%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu chỉ từ 7,5%/năm.
Vietcombank cũng công bố lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm, giảm 0,5% so với trước đây. Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm, Vietcombank sẽ đồng loạt giảm 0,5% về mức 6%/năm. Với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm và các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm. Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đợt giảm lãi suất này sẽ hỗ trợ tốt cho khách hàng vì hiện nay cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank có dư nợ rất lớn, chiếm tỉ trọng 42% trong tổng dư nợ.
Tại khối NHTM tư nhân, VPBank cho biết, ngân hàng đã sẵn sàng hỗ trợ giảm lãi suất từ 0,5-1%/năm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên.
Năm 2018 vẫn còn nhiều rào cản để giảm lãi suất
Việc một số NHTM giảm lãi suất là một tín hiệu đáng mừng, song giới phân tích tài chính đánh giá việc giảm lãi suất cho vay trong năm nay là vẫn hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó mấu chốt vẫn là chưa thể giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Theo chuyên gia phân tích tài chính TS Trương Huy Mai, ở đây không phải cứ đặt con số và ép giảm là được bởi ai cũng biết có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất vay. Nhìn lại diễn biến lãi suất năm 2017 có thể thấy chi phí vay ngân hàng của doanh nghiệp sản xuất được duy trì ổn định ở mức thấp và chưa ghi nhận sự cắt giảm đáng kể nào ngay cả khi NHNN quyết định cắt giảm 0,25% một số lãi suất điều hành. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn của các NHTM Nhà nước vẫn phổ biến 6,8 - 8,5%/năm, trong khi chi phí vay trung và dài hạn dao động quanh mức 9,3-10,3%/năm. Đây cũng là thực trạng chung của khối NHTM cổ phần với lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 7,8-9%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 10-11%/năm. Khác biệt đáng kể nhất là sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ khi lãi suất cho vay tối đa các kỳ hạn ngắn giảm 0,5%/năm.
TS Trương Huy Mai phân tích mấu chốt chính là lãi suất đầu vào khó giảm mạnh. Việc giảm lãi suất huy động là nền tảng căn bản, bởi chỉ khi giảm lãi suất huy động mới có thể giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng giảm lãi suất huy động hiện nay là sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng bởi ngành ngân hàng đang phải bảo vệ thanh khoản cho hệ thống. Nếu lãi suất huy động không còn hấp dẫn thì sẽ vấp phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Về vấn đề nợ xấu tuy đã “tìm được ánh sáng cuối đường hầm” khi mà đã có Nghị quyết 42 nhưng để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất. Do đó, xử lý nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Chuyên gia tài chính của Cty CK VCSC, ông Nguyễn Duy Phương đưa ra nhận định cho rằng bên cạnh các yếu tố như chi phí đầu vào, nợ xấu thì cũng nên có một cái nhìn rộng hơn rằng thị trường tài chính Việt Nam từng bước hội nhập sâu và rộng vào thị trường thế giới. Theo dự báo, nửa cuối năm 2018, lãi suất huy động có thể tăng do áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến điều chỉnh 3 lần tăng lãi suất, mà nhiều quốc gia đã đang và tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ trái chiều nhau, nhiều nước thực hiện thắt chặt tiền tệ, một số nước lại nới lỏng tiền tệ. Sự biến động của tỉ giá USD sẽ tác động tới chính sách tiền tệ, điều hành tỉ giá và cung tiền trên thị trường. Đồng thời, nửa cuối năm cũng thường là thời gian các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, với tỉ lệ dư nợ/vốn huy động (LDR) của hệ thống đang ở mức khá cao là 86,75%, nhiều ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lại biên độ lãi suất để thích ứng với thị trường.
Ở góc độ vĩ mô, với thành công trong kiểm soát lạm phát bình quân chỉ 3,53% trong năm 2017 và Chính phủ tiếp tục đưa ra kế hoạch nhiệm vụ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm nay, kiểm soát lạm phát dưới 4% đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất. Theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, trước đây khi mà tâm lý kỳ vọng lạm phát vẫn khá lớn, ngân hàng khó hút được tiền gửi với lãi suất ổn định thì khó khăn hơn trong việc giảm lãi suất cho vay. Nhưng khi Chính phủ, NHNN kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ 17% đã mở ra cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Phát biểu mới đây tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định mặt bằng lãi suất, tỉ giá, tạo điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Để hỗ trợ việc giảm lãi suất, NHNN cũng xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở để hỗ trợ các TCTD có điều kiện để giảm lãi suất cho vay.