Tăng kim ngạch xuất khẩu
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% khi xuất khẩu vào EU tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%, đặc biệt là mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da.
Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%. Quy tắc xuất xứ áp dụng như GSP (Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập) nên khá thuận lợi.
Cùng đó, Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ cũng đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan được kỳ vọng. Dự luật này sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có vài chục loại sản phẩm giày dép và dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.
Có thể khẳng định, việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành da giày trong việc thu hút đơn hàng. Kéo theo đó là dòng luân chuyển của vốn và công nghệ khi các nhãn hàng lớn đến Việt Nam.
Sức bật từ năm 2017
Tuy nhiên để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy định về nguồn gốc xuất xứ, quy tắc xuất xứ cho các bộ phận đối với sản phẩm da giày cũng như nắm rõ về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), nhất là các quy định về hạn chế hoá chất độc hại, quy định về an toàn sản phẩm tiêu dùng; các biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp giá)…
Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ sản xuất gia công của ngành da giày Việt Nam còn cao, trong khi để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật hết sức khắt khe của EU, đòi hỏi nỗ lực về cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt từ phía các doanh nghiệp.
Thị trường xuất khẩu giày dép Việt Nam qua các năm - Đơn vị: triệu USD - Nguồn Tổng cục Hải quan |
Do đó, để tận dụng tốt EVFTA, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên vật liệu đầu vào để đáp ứng các quy tắc xuất xứ, để có thể thực sự tận dụng được thuế suất ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực. Doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu kỹ thông tin để nắm được đặc điểm riêng của từng thị trường nhằm đảm bảo thành công và hiệu quả của việc xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú ý đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh bị điều tra hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại doanh nghiệp.
Trong những năm qua, da giày luôn nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ sau điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Năm 2017, ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giầy Việt Nam, chiếm khoảng 34% trong tổng kim ngạch. Tiếp đến là thị trường EU, xuất khẩu sang thị trường này năm 2017 cũng sôi động hơn rất nhiều. Lượng giày dép Việt vào EU tăng mạnh, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm khoảng 11% thị phần tại EU. Ngoài hai thị trường trên, xuất khẩu sang các thị trường lớn khác của ngành như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn giữ được sức tăng trưởng ổn định.
Năng suất lao động của ngành trong năm 2017 cũng đạt tương đối cao, mỗi lao động đạt từ 25.000 đến 27.000 USD đầu người/năm đối với những doanh nghiệp lớn của ngành; các doanh nghiệp trung bình khoảng 18.000 USD/đầu người/năm,doanh nghiệp vừa và nhỏkhoảng 12.000 USD/đầu người/năm.