Gần cuối năm 2017, dù rằng Bộ Tài chính có thông báo mới về nợ công với con số đưa ra khoảng 3,1 triệu tỷ đồng (tăng 300 nghìn tỷ so với năm trước) nhưng chỉ chỉ chiếm tỷ lệ 62,6% trên GDP, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2016 và thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, phần nợ được Chính phủ đi vay nhằm chi tiêu trong nhiều năm nay luôn nằm trong “báo động đỏ”, không năm nào nguồn thu ngân sách đủ cho Nhà nước chi dụng. Bởi vậy, mối lo về nợ công tiếp tục “vắt” sang năm 2018 với nhiều băn khoăn, nhất là khi dự báo World Bank vẫn còn đó. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đồng thời thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ công của Việt Nam. World Bank trước đó từng nhận định tốc độ tăng nợ trên GDP của Việt Nam thuộc dạng nhanh nhất, tăng 10% trong 5 năm qua, quan ngại đến bền vững tài khoá?
Nợ công của Việt Nam ở mức cao là điều không ai có thể chối cãi được, hiển thị ở các con số công khai. Vấn đề là việc quản lý nợ công đang theo chiều hướng cải thiện và tốt đẹp hơn so với trước.
Cụ thể, năm 2016, nợ công được báo cáo trước Quốc hội chiếm 63,6% trên GDP. Sang đến năm 2017, tình hình kinh tế tăng trưởng tốt nên nợ công trên GDP chỉ còn 62,6%. Đối với năm 2018, cùng với việc xác định bội chi ngân sách ở mức 3,7% trên GDP, nợ công theo dự kiến của Bộ Tài chính sẽ ở đỉnh mới là 63,9% GDP.
Chính phủ cũng đã có kế hoạch kiểm soát nợ công theo định mức Quốc hội quy định đến năm 2020 không được vượt quá 65% GDP. Chính phủ đang kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn để đảm bảo việc không vượt ngưỡng.
Do đó, các khoản chi đầu tư của ngân sách phải đi liền việc hỗ trợ cho tăng trưởng. Bởi nếu tử số tăng, mẫu số cũng tăng thì con số không biến động nhiều. Do vậy, cần phải kiểm soát hiệu quả chi đầu tư, phải đặt tính hiệu quả lên trên đầu.
Trên thực tế, Quốc hội đã xem xét và thảo luận làm sao để giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư – là yếu tố làm tăng mẫu số cũng là tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Điều này rất thuận cho năm 2018 khi Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 đã bàn rất sâu vấn đề tinh giản bộ máy tổ chức, giảm nhân lực hưởng lương từ ngân sách nhà nước giúp giảm chi thường xuyên.
Khi giảm được chi thường xuyên sẽ tăng được chi đầu tư và từ đó góp phần làm cho nợ công ngày càng tốt hơn.
Dù vậy, tôi vẫn khẳng định nợ công còn rất cao, chúng ta cần tiếp tục giảm nợ công. Bởi lẽ, nợ công cao sẽ dần đến chèn ép thị trường tiền tệ, chèn ép thị trường vốn (vay vốn của doanh nghiệp) do Chính phủ huy động trái phiếu để đảo nợ.
Để giải bài toán nợ công, tăng thu cũng là một cách, ông nghĩ cách này có phù hợp với hiện trạng hiện nay không?
Tăng thu thì không có nguồn, chúng ta không có cơ sở nào để tăng thu cả. Giả sử như tăng thu từ thuế thì với việc hội nhập, chúng ta phải cắt giảm thuế nhập khẩu chẳng hạn. Hay việc thu từ lợi tức cổ phần nhưng với xu thế thoái vốn của Nhà nước thì nguồn này dần dần cũng sẽ bị co hẹp lại. Cách giải tích cực nhất là phải tiết kiệm chi.
Như tôi nói ở trên, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhà nước một cách hiệu quả, thông qua đó giảm chi thường xuyên.
Vậy người dân sẽ còn phẩp phỏm với nỗi lo gánh những khối nợ này trong bao lâu nữa?
Theo tôi, quá trình mà Chính phủ thực hiện đang đi đúng hướng. Chúng ta đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng chất lượng tăng trưởng, năng suất sử dụng vốn hiệu quả, tập trung vào những nguồn lực sử dụng vốn hiệu quả nhất... từ đó, có nguồn tài chính đủ mạnh tập trung vào kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh, tạo bứt phá trong tăng trưởng. Thông qua đó, giảm nợ công trên GDP một cách tích cực.
Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được nợ công dưới ngưỡng 65%.