Bộ Tài chính cho biết, sau thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Vinamilk, năm 2018 sẽ có thêm doanh nghiệp nhà nước tiến hành thoái vốn Nhà nước với số tiền dự kiến thu về rất lớn.
Ảnh minh họa: KT
Theo đó, ngay trong quý 1 năm 2018, sẽ thoái vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) có tổng vốn gần 100.000 tỉ đồng.
Dự kiến, trong danh sách thoái vốn năm 2018 sẽ có một số doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Cao su Việt Nam vốn điều lệ khoảng 50.000 tỉ đồng, Tổng Công ty Bia rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC…
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong cổ phần hoá. Việc bán vốn sẽ thực hiện rải đều trong năm, không dồn vào những tháng cuối năm.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2017 10 đơn vị đã thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng vụ chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Sabeco, dự kiến thu về cho Ngân sách Nhà nước gần 110 nghìn tỷ đồng.
Thoái vốn tại các ngành không sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được gần 2.000 tỷ đồng, thu về hơn 3.000 tỷ đồng. Bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý tại 40 doanh nghiệp với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về hơn 21.600 tỷ đồng.
Số tiền thu từ các đợt thoái vốn nhà nước sở hữu tại các doanh nghiệp sẽ được chuyển vào một quỹ do Bộ Tài chính quản lý mở tại Kho bạc Nhà nước, sử dụng theo Nghị quyết của Quốc hội chi đầu tư phát triển, đảm bảo sử dụng đúng mục đích. Quỹ này sẽ được Kiểm toán Nhà nước kiểm soát cùng với việc thu chi ngân sách Nhà nước./.