CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố bản tin IR năm 2018 với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, theo thống kê xuất khẩu cá tra cả nước thiết lập kỷ lục 2,3 tỷ USD cao nhất mọi thời đại.
Chi tiết, năm 2018, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, theo dữ liệu mới nhất từ VASEP. Trong đó, xuất khẩu cá tra thiết lập mức cao kỷ lục 20 năm mới là 2,3 tỷ USD, tăng 27%. Theo các chuyên gia trong ngành, sự phát triển của cá tra sẽ tiếp tục vào năm 2019 khi sản lượng trên toàn thế giới dự kiến đạt 3 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm trước.
Hiện, diện tích canh tác Việt Nam đạt tổng cộng 5.400 ha trong năm 2018, tăng nhẹ 3,3% so với năm 2017. Khối lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm trước.
Mỹ giành lại vị thế quán quân, thị trường đang được mở rộng
Đáng chú ý, sau thời gian đến nay Mỹ đã quay trở lại vị trí quán quân thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam với giá trị 549 triệu USD trong năm 2018, tăng 60% so với năm trước. Chưa dừng lại, nhu cầu tại Mỹ dự kiến sẽ vẫn mạnh hơn vào năm 2019 nên giá vẫn ở mức cao.
Trung Quốc, Hồng Kông đứng thứ hai với tổng kim ngạch đạt 529 triệu USD, chiếm 23% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2018, tăng 29% so với năm trước. Theo VASEP, thị trường lân cận này vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển nhờ nhu cầu lớn đối với nhiều loại sản phẩm cá tra ở nhiều mức giá khác nhau, trong đó giao thông thuận tiện cũng là yếu tố thúc đây xuất khẩu sang thị trường này.
Sau một thời gian dài trì trệ, xuất khẩu sang EU năm 2018 cũng có dấu hiệu phục hồi với giá trị 244 triệu USD, tăng 20% so với năm trước. Các thị trường tiêu thụ hàng đầu năm qua phải kể đến Hà Lan, Anh, Đức và Bỉ với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 33%, 6%, 11% và 12%.
Mặc khác, khối ASEAN đang cho thấy nhiều tiềm năng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 203 triệu USD trong năm 2018, tăng 42%. Nổi trội là các quốc gia Thái Lan, Singapore, Philippines và Malaysia. Ghi nhận, nhu cầu từ khối này tăng mạnh từ năm 2018, đặc biệt là tạiPhilippines với mức tăng trưởng hơn 32% trong năm. Cộng với đó, các hiệp định thương mại mới như EVFTA, CPTPP sẽ chính thức thông qua trong năm 2019, dẫn đến thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam tại nhiều thị trường sẽ được loại bỏ ngay lập tức hoặc giảm dần xuống 0%, tạo cơ hội tốt hơn cho cá tra xâm nhập sâu hơn vào các thị trường này.
Về giá bán cá tra, trên tất cả các thị trường xuất khẩu hiện đạt mặt bằng mới cao hơn, đặc biệt là giá cá tra nguyên liệu. Lý giải điều này, từ đầu năm 2017, ngành công nghiệp cá tra đã phải đối mặt với tình trạng thiếu cá giống nghiêm trọng (cá con) do thời tiết lạnh. Việc thiếu cá giống kéo theo sự khan hiếm nguyên liệu thô (cá sống) cho các công ty chế biến, từ đó đẩy giá sản phẩm cuối cùng tăng theo.
Bên cạnh đó, năm 2017 rào cản về công tác kiểm định cá tra da trơn (cá thuộc bộ Siluriformes) nhập khẩu vào Mỹ gần như được xóa bỏ đã thúc đẩy kim ngạch tại thị trường Hoa Kỳ tăng cao trở lại. Cung hạn hẹp, nhiều công ty không có trang trại riêng theo đó phải trả giá cao hơn để đáp ứng các đơn đặt hàng đã ký, kết quả đẩy giá cá tra tăng mạnh xuyên suốt năm qua.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang đến cơ hội cho cá tra Việt Nam
Một vấn đề đáng chú ý khác, năm 2018, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng sâu rộng, ngành cá tra Việt Nam theo đó đang tận dụng các đơn đặt hàng mới từ người mua Mỹ.
Được biết, tại thị trường Mỹ, cá tra được coi là sản phẩm thay thế tốt nhất cho cá rô phi Trung Quốc nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng tương tự. Gần đây, Mỹ đã áp dụng mức thuế 10% đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc và áp thêm 25% dự kiến vào tháng 3/2019. Với giá cá rô phi ít cạnh tranh hơn, các nhà xuất khẩu cá tra đã trở thành người hưởng lợi chính. Do căng thẳng thương mại leo thang, nhiều người mua cá rô phi đã chuyển sang sử dụng cá tra nguồn từ Việt Nam với quy mô đặt hàng mở rộng, trong bối cảnh rào cản thuế quan với cá rô phi ngày càng cao.
Đặc biệt, ngày 19/9/2018, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thông báo đã hoàn thành công tác kiểm tra tại chỗ với Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, từ đó nới lỏng việc nhập khẩu sản phẩm này từ cả ba nước.
Sau khi kết thúc giai đoạn bình luận công khai vào ngày 19/10/2018, USDA dự kiến sẽ cấp trạng thái tương đương cuối cùng của ba quốc gia này. Riêng với Việt Nam, việc vượt qua kiểm tra tại chỗ là bước quan trọng trong quy trình tương đương ban đầu bởi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ hiện có đến hơn 91% là mặt hàng cá tra da trơn (thuộc bộ Siliformes).
Vĩnh Hoàn - Phụ phẩm Collagen và Gelatin tăng trưởng nổi bật
Về Vĩnh Hoàn, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2017, trong đó philê cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu, tăng 34% so với năm trước. Đáng chú ý, phụ phẩm Collagen và Gelatin ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, với tổng giá trị xuất khẩu trị giá 11,2 triệu USD, gấp đôi kết quả năm 2017.
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường hàng đầu của Vĩnh Hoàn vẫn ổn định với sự thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số một, chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu với doanh thu hàng năm tăng vọt 49% do giá bán và khối lượng bán cao hơn.
Cùng với đó, Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình hơn 26% mỗi năm. Đây được biết là kết quả cho nỗ lực quảng bá cá tra đến người tiêu dùng Trung Quốc, tập trung tại các chuỗi nhà hàng và nền tảng thương mại điện tử thời gian qua.
Ngoài ra, xuất khẩu sang Thụy Sĩ, Úc và Bỉ cũng tăng trưởng với doanh thu tăng lần lượt 64%, 15% và 11% so với năm 2017.