Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, các chỉ tiêu về tạo việc làm cho người lao động tiếp tục đạt kết quả tích cực, vượt kế hoạch đề ra. Ước cả năm 2019, cả nước tạo việc làm cho trên 1,65 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch năm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2019, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động trong nước, ngành cũng duy trì và phát triển thị trường lao động ngoài nước. Đáng chú ý đã mở nhiều thị trường mới, tiềm năng ở khu vực châu Âu, ký Bản ghi nhớ về phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản.
Đồng thời, đã thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường tuyển dụng, đào tạo, tạo nguồn lao động từ khu vực Tây Nam Bộ.
Theo đó, ước cả năm, cả nước tạo việc làm cho trên 1,65 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018.
Trong đó, tạo việc làm trong nước cho khoảng 1,508 triệu người; đưa trên 147 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả 4 năm qua đã đưa trên 550 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 10% và về đích trước 1 năm so với kế hoạch 5 năm.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%.
Công tác tuyển sinh cũng có chuyển biến tích cực, ước tuyển sinh khoảng 2,33 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 568 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,77 triệu người. Ước tốt nghiệp khoảng 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch.
Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, năm vừa qua sức ép về việc làm còn lớn, nhất là việc làm theo hướng bền vững và việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Việc dự báo, kết nối cung - cầu lao động cũng còn hạn chế.
Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, riêng thị trường lao động vẫn phải đối mặt với nguy cơ thừa lao động với trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu nhân lực trình độ cao cho cuộc cách mạng 4.0.
Do đó, trong năm 2020, Bộ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động. Đặc biệt là tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường.
Từ đó, hình thành một thị trường lao động hiện đại, thông suốt và hội nhập, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Song hành cùng là tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển, mở rộng các thị trường lao động ngoài nước. Tăng cường công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.