Thông tin trên được ông Nguyễn Gia Liêm cung cấp bên lề Hội nghị triển khia nhiệm vụ lao động – người có công và xã hội năm 2019, của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 18/1/2019.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động – người có công và xã hội năm 2019
Theo ông Liêm, năm qua, thị trường Nhật Bản vươn lên do nước này bắt đầu áp dụng Luật Lao động mới, cho phép người lao động ở lại lâu hơn (từ 3 lên 5 năm).
Đặc biệt, Bản ghi nhớ hợp tác về thực tập sinh theo luật mới của Nhật với Việt Nam có hiệu lực từ tháng 6/2018, Việt Nam là nước đầu tiên được Nhật lựa chọn ký biên bản này. Doanh nghiệp Nhật thay đổi cách nhìn về lao động Việt. Ngoài ra, năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam được trực tiếp đưa lao động chăm sóc người già và người bệnh sang Nhật, với 13 doanh nghiệp được cấp phép. “Những cơ sở trên sẽ giúp lao động Việt đi Nhật các năm tới chắc chắn sẽ còn tăng hơn”, ông Liêm nói.
Tuy vậy, đại diện Cục trưởng Quản lý Lao động ngoài nước cũng lo ngại về số lao động tăng, sẽ kéo theo nguy cơ lao động vi phạm luật pháp, bỏ trốn ở Nhật tăng theo. Do đó, thời gian cơ quan này sẽ đưa ra các giải pháp để ngăn chặn từ đầu, không để phát triển nóng rồi bỏ trốn nhiều như từng xảy ra tại Hàn Quốc, Đài Loan.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, nhiều người chọn đi lao động qua con đường du học Nhật vì muốn giảm chi phí, bớt thời gian học ngoại ngữ, kỹ năng nghề.
“Nếu đi theo con đường lao động sẽ mất chi phí cao, như đi Đài Loan khoảng 80 triệu đồng, nhưng nếu đi con đường du lịch chỉ mất tiền vé máy bay, phí visa, nên vẫn có người chọn đi du lịch rồi bỏ trốn”, ông Diệp nói.
Về một số thị trường xuất khẩu lao động mới trong năm 2019, theo ông Liêm, sẽ chủ yếu tập trung các thị trường lớn, thu nhập tốt theo lựa chọn của người lao động. Trong đó có một số thị trường lớn như Đức, hay một số nước châu Âu cũng đang được đoàn lãnh đạo cấp cao gặp gỡ song phương để ký kết hợp tác lao động. Những Quốc gia này cũng rất hứa hẹn.
Cùng đó, hiện Úc mới đưa ra chính sách mới tiếp nhận lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tới vũng Bắc Úc, hiện các cơ quan Việt Nam đang xúc tiến các bước để có thể đưa người lao động Việt đi theo chính sách này. Ngoài ra, thị trường Rumania cũng đang được xúc tiến.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2018, cả nước đưa được trên 142.800 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt 29,9% kế hoạch). Đây là năm thứ 5 liên tiếp xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm, và là năm cao nhất từ trước đến nay.
Về thị trường lao động, Nhật Bản lần đầu tiên vượt lên dẫn đầu thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Hiện Đài Loan và Nhật Bản có số lao động Việt Nam đang làm việc nhiều nhất, chiếm hơn 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mẫu Diệp cho biết, năm 2018, bộ đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, như giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; giảm số hộ nghèo; giảm tỷ lệ thất nghiệp; chăm sóc người có công…
Tuy nhiên, ông Diệp nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Còn xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận, để hưởng chế độ, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội… gây dư luận không tốt trong xã hội.
“Ngoài ra, các vụ vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Đặc biệt, một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường gây bức xúc dư luận và xã hội”, ông Diệp nói.
Những tồn tại hạn chế trên là nhiệm vụ đặt ra phải giải quyết trong năm 2019. Trong năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu hoàn thành các chi tiêu được giao.