Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, việc triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi, tỉnh kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm 3 dự án thành phần.
Cụ thể, 3 dự án thành phần mà UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị tách ra từ dự án xây dựng cầu Cát Lái gồm:
Phần đường dẫn phía TPHCM dài 623m, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao UBND TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT);
Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai 263m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT.
Phần cầu chính giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức BOT. Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP, đối với dự án nhóm A, áp dụng loại hợp đồng BT sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, trường hợp phần cầu chính phải triển khai theo hình thức BOT kết hợp BT, Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt quyết định chủ trương triển khai thực hiện dự án.
Trước đó, ngày 9.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại quận 2, TPHCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt sông Đồng Nai.
Đến tháng 8.2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Sở Giao thông vận tải TPHCM và đề xuất được chủ trì tổ chức mời các nhà đầu tư xây dựng cầu Cát Lái thay UBND TPHCM để dự án sớm được triển khai. Được biết, dự án xây dựng cầu Cát Lái có tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.200 tỉ đồng.