Hà Nội: Căn hộ là nguồn cung chủ đạo của thị trường năm 2019
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, năm 2019, tại Hà Nội, nguồn cung chủ đạo tiếp tục là dòng sản phẩm căn hộ. Trong đó phân khúc trung cấp tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất, tiếp theo là phân khúc bình dân, phân khúc cao cấp và siêu cao cấp sẽ khan hiếm hơn.
Trong đó, nguồn cung sản phẩm BĐS phần lớn từ các dự án tại khu vực Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh và Từ Liêm.
Bên cạnh đất, sản phẩm Đất nền sẽ bùng nổ mạnh hơn so với năm 2018. Chủ yếu từ khu vực Hà Đông, Gia Lâm và Đông Anh.
Nền kinh tế Thủ đô tiếp tục ổn định và phát triển tốt nên nhu cầu mua và đầu tư dự án BĐS vẫn duy trì ở mức cao. Tỉ lệ hấp thụ các dự án BĐS năm 2019 có thể cao hơn năm 2018. Giá tổng thể căn hộ ở mọi phân khúc nhỏ hơn 2 tỷ/căn hộ sẽ chiếm tỉ trọng giao dịch thành công lớn nhất.
Theo dự báo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, giá đất ở tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng trên 10% so với năm 2018. Trong khi đó, giá căn hộ ở phân khúc trung cấp và bình dân có thể tăng 3-5%, phân khúc cao cấp do lượng cung khan hiếm sẽ tăng trên 5%.
Tp.HCM: Nguồn cung hạn chế nên tỉ lệ hấp thụ có thể tăng, đạt trên 80%
Quỹ đất ngoại thành Tp.HCM hiện nay vẫn còn khá nhiều và phong phú nên lượng cung đất nền cho Tp.HCM năm 2019 tiếp tục ổn định, giá dự kiến tăng 10-15% so với năm 2018.
Theo Hội môi giới, năm 2019, tại Tp.HCM hạ tầng giao thông đô thị tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh. Đặc biệt là phát triển các tuyến đường liên kết các vùng ngoại thành với nhau, các vùng với trung tâm thành phố,… kéo theo đó là sự phát triển của thị trường BĐS.
Tuy nhiên hiện nay, Tp.HCM đang trong quá trình rà soát lại việc phê duyệt các dự án trước đây. Bởi vậy, nguồn cung từ các dự án đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư bị hạn chế trong ngắn hạn. Dự báo 6 tháng đầu năm 2019, nguồn cung BĐS ra thị trường hạn chế, không có nhiều sản phẩm, 6 tháng cuối năm nguồn cung tăng mạnh trở lại, nâng tổng lượng cung cả năm xấp xỉ năm 2018.
Với các dự án đủ điều kiện bán hàng, nguồn cung năm 2019 phần lớn nằm ở phân khúc trung cấp, phân khúc bình dân dần khan hiếm, đặc biệt là cao cấp, siêu cao cấp do các dự án ở trung tâm bị rà soát, thu hồi. Mức giá căn hộ có thể tăng nhẹ.
Dự báo nền kinh tế Tp.HCM năm 2019 tiếp đà phát triển, nhu cầu mua nhà có xu hướng tăng so với năm 2018. Do nguồn cung hạn chế nên tỉ lệ hấp thụ có thể tăng, đạt trên 80%. Các căn hộ có diện tích vừa phải (từ 55-75m2) ở bất kì phân khúc nào sẽ là sự lựa chọn của đông đảo khách hàng.
Tại một số khu vực khác: Đất nền là phân khúc chủ đạo
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, các tỉnh khu vực xung quanh Hà Nội và TP.HCM, đều đang trong thời kỳ đầu tư phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp và đô thị rất mạnh mẽ. Nên chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục ổn định và phát triển thị trường BĐS trong năm 2019.
Đất nền tại các địa phương tiếp tục là sản phẩm chủ đạo. Một số địa phương có đầu tư hạ tầng đô thị tốt, sẽ xuất hiện cả sản phẩm shophouse. Căn hộ thương mại có giá rẻ và nhà ở xã hội sẽ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong dòng sản phẩm căn hộ tại các địa phương.
Giá đất nền tại các tỉnh sẽ tăng trong biên độ từ 10 – 15% trong năm 2019. Giá căn hộ thương mại tại các tỉnh, thành phố không thuộc diện đô thị đặc biệt chỉ giao động từ 10 -15 triệu đồng/m2.
Tiếp tục xuất hiện các hiện tượng tự san lấp đất nông nghiệp, đất rừng. Nhằm lập các dự án phân lô bán nền trái quy định. Chính quyền các địa phương cần phải giám sát và xử lý ngăn chặn. Các nhà đầu tư phải hết sức cảnh giác và không nên tham gia.
Dự báo khu vực Phú Quốc, Vân Đồn sẽ không còn hiện tượng sốt nóng, ảo, bong bóng. Nhưng sẽ tăng trưởng rất tốt nhờ có những yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch và nhiều điểm cộng vì đã có sự đầu tư rất mạnh vào hệ thống hạ tầng của cả nhà nước, của cộng đồng Doanh nghiệp.
Đồng thời, năm 2019 xuất hiện nhiều hơn các thương vụ mua bán, chuyển đổi chủ đầu tư các dự án BĐS.
Ở một vài địa phương khác, do tâm lý e ngại thanh tra, nên dừng và hạn chế phê duyệt hồ sơ thủ tục phát triển dự án BĐS. Làm mất cân đối cung cầu thị trường BĐS địa phương, ảnh hưởng không tốt cho thị trường BĐS tại một số khu vực.