Chia sẻ tại Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên 2019 sáng nay (12/3), ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 2,5 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng tích cực phù hợp với mục tiêu của NHNN, hiện đạt khoảng trên 1%. Trong đó, tín dụng có đà tăng mạnh trong tháng 1 nhưng bắt đầu chậm lại vào tháng 2 do đúng vào kỳ nghỉ lễ Tết.
Ông Hà cũng cho biết NHNN vẫn đang mua vào một lượng khá lớn ngoại tệ dù mức độ mua không dồn dập như năm ngoái. Lãi suất cũng đang trong xu thế ổn định, một số ngân hàng từng tăng lãi suất huy động trước tết nay có kế hoạch giảm lãi suất do áp lực thanh khoản giảm. Trong thời gian tới, tình trạng thanh khoản và mặt bằng lãi suất dự báo sẽ tiếp tục ổn định. NHNN dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ tương tự với năm 2018 ở mức 14%. Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong năm 2019, đây cũng là định hướng của NHNN trong nhiều năm qua.
Giải thích cho định hướng tăng trưởng ở mức thấp, lãnh đạo NHNN cho biết nếu chúng ta tăng trưởng cao thì áp lực huy động vốn đầu vào cũng rất lớn, khiến mặt bằng lãi suất bị tác động từ đó áp lực lên lạm phát. Mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và theo đó các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng…phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ được mục tiêu này. Bản thân NHNN không thể một mình làm được điều này mà phải phối hợp với các cơ quan khác như Bộ Tài chính, Bộ Công thương,…
Đề cập tới tác động của tín dụng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc ngân hàng OCB chia sẻ, tín dụng vẫn là sản phẩm kinh doanh chính của các ngân hàng, đem lại nguồn lợi nhuận chủ yếu. Tuy nhiên sự phát triển của ngân hàng không thể theo ý muốn như nhiều loại hình doanh nghiệp khác vì có nhiều đặc thù.
Ông Tùng cho rằng, khi NHNN có chủ trương giảm tốc tăng trưởng tín dụng, ngân hàng thương mại phải tìm cách xoay chuyển để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, đây là câu chuyện mà các ngân hàng tính đến từ cách đây 5-6 năm trước khi NHNN áp trần tăng trưởng tín dụng cho hệ thống và từng ngân hàng.
"Chúng tôi cũng hiểu đây là biện pháp cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô và cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển bền vững. Từ đó, chúng tôi cũng phải tính đến chiến lược phù hợp khi hãm tăng trưởng tín dụng, ví dụ như phải chuyển dịch sang các sản phẩm khác,...", lãnh đạo OCB chia sẻ.
Các chuyên gia nhận định rằng thị trường tiền tệ trong năm nay khả năng sẽ giữ được mức ổn định, dựa trên những diễn biến tích cực trong nước những tháng gần đây và triển vọng bức tranh quốc tế sẽ có một năm ổn định hơn.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch UBGSTCQG cho rằng mặt bằng lãi suất phụ thuộc cả môi trường trong nước. Bối cảnh quốc tế được kỳ vọng sẽ không có nhiều "cú shock", chẳng hạn chiến tranh thương mại đã có phần dịu đi, FED sẽ chỉ tăng lãi suất 1-2 lần như kế hoạch,….còn thị trường Trung Quốc phát đi thông điệp thận trọng với tỷ giá và lãi suất.
Tổng giám đốc của OCB dự báo rằng mặt bằng lãi suất năm nay sẽ giữ như năm 2018, không nhiều biến động. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra cho từng đối tượng, mục đích vay sẽ ngày càng khác biệt. Dựa trên mức độ rủi ro của từng khách hàng, từng khoản vay thì có doanh nghiệp chỉ được vay với lãi suất 6% nhưng cũng có doanh nghiệp phải vay với lãi suất 11%.