Sáng 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Đề cập đến xiệc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Ban Chỉ đạo cho biết, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.
4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, các dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Ban Chỉ đạo đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án.