Đây là một trong những việc trọng tâm cần làm ngay mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) – Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử - Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ trong hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra ngày 6/7.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại dịch Covid-19 là dịp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) Việt trải qua cuộc thao diễn thực chiến lớn nhất từ trước đến nay với gần 1.000 kỹ sư từ các doanh nghiệp, phát triển trên 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch.
Trong việc truy vết, giám sát cách ly, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có đủ bộ giải pháp từ mức nhà mạng, mức trạm thu phát sóng BTS, mức sử dụng định vị vệ tinh GPS đến mức theo dõi tiếp xúc gần dưới 2m dùng Bluetooth. 12 nền tảng và hàng trăm ứng dụng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc đã được ra mắt.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 có tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt, Bộ TT&TT, Bộ Y tế hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4. Hiệu quả cung cấp DVCTT cũng chuyển biến đáng kể với tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi so với năm 2019.
Chậm nhất là năm 2021, các bộ, ngành và địa phương phải đưa dịch vụ công lên trực tuyến đạt 100% mức độ 4. (Ảnh minh họa) |
Công nghiệp CNTT đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G; đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G Make in Việt Nam và dự kiến một số thiết bị 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hoá vào cuối năm 2020.
Nếu như 6 tháng đầu năm là kiểm soát đại dịch, thì 6 tháng cuối năm là thời kỳ bứt phá vươn lên. Ngành TT&TT cần nhận lấy những sứ mệnh mới trước Đất nước, góp phần đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành nước phát triển vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm./.