Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đến ngày 31/12/2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toàn. Số tiền này tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Chi NSNN hoàn thành mục tiêu đề ra, bảo đảm đủ nguồn cho đầu tư phát triển và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến thu NSNN là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian qua, yếu tố làm giảm thu NSNN là do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, NSNN cũng bị ảnh hưởng khi Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, người dân.
Đặc biệt, NSNN đã chi 74.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ. Dù còn khó khăn nhưng cả năm, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn để có thể khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm, cắt giảm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 cho dự phòng ngân sách Trung ương để chi cho phòng chống dịch Covid-19. Trường hợp chưa sử dụng hết, số kinh phí còn lại được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục sử dụng, tiếp tục duy trì quỹ vaccine để mua vaccine phòng chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dự báo trong năm 2022, dịch Covid-19 có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn; vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội bố trí 10 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 cho phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, 20,5 nghìn tỷ đồng cũng được bố trí dự phòng NSTW (khoảng 2,5% tổng chi NSTW) và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ Quốc gia. Số tiền này để Việt Nam có thể chủ động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác. Dự phòng NSTW và dự trữ Quốc Gia đều tăng so với dự toán năm 2021.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã huy động được 8.803 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện tnăm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, tổng số đã miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân. Ngoài ra, tính đến hết ngày 31/12/2021, Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã huy động được 8.803 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chi NSNN theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh phát sinh.