Năm 2021 khép lại, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ với hơn 1,5 triệu tài khoản mở mới – con số kỷ lục trong 21 năm thị trường thành lập. Chỉ số VN-Index tăng gần 36%, lọt top 10 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Nhóm ngân hàng – với 27 mã niêm yết trên sàn và giao dịch trên UPCoM, chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường, đã tăng trên 50% trong năm qua, vượt xa mức tăng của chỉ số VN-Index.
Tuy nhiên, đóng góp vào sự tăng trưởng ấn tượng ấy chủ yếu đến từ nửa đầu năm 2021 khi nhóm ngân hàng liên tục tạo sóng và lập đỉnh vào cuối tháng 5 và những ngày đầu tháng 6. Nửa sau năm 2021, cổ phiếu "vua" dường như bị bỏ quên trong khi các nhóm ngành khác tăng trưởng ấn tượng, thậm chí tăng bằng lần.
Lý do khiến cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn ở những tháng vừa qua chủ yếu đến từ nỗi lo đại dịch sẽ làm tăng áp lực nợ xấu và giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo một thống kê mới công bố trong tháng 1/2022 của Ngân hàng Nhà nước, có tới 78,8% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Và thực tế những nhà băng đầu tiên đang tiết lộ kết quả kinh doanh năm vừa qua cho thấy lợi nhuận và nợ xấu đã diễn biến hoàn toàn khác xa so với lo ngại của thị trường khi hầu hết vẫn đạt và vượt kế hoạch, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu tăng mạnh, có ngân hàng còn đạt tỷ lệ hơn 400%. Tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng kết thúc năm đạt 13,53%.
Năm 2022, nhiều công ty chứng khoán đánh giá, nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, một trong số đó là chất xúc tác của gói hỗ trợ nền kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội vừa bấm nút thông qua và đã được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành vào ngày 17/01, sẽ tác động tích cực tới ngành ngân hàng. Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi số, đổi mới số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nhất là mảng dịch vụ bán lẻ… đang diễn ra rất tích cực sẽ giúp các nhà băng gia tăng nguồn thu nhập ngoài lãi. Những ngân hàng đã và đang thực hiện tăng vốn cũng sẽ có dư địa phát triển mạnh. Có tới 95% các tổ chức tín dụng đang kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng.
Với bối cảnh hiện tại, cổ phiếu ngân hàng cũng đang trở nên hấp dẫn trở lại. Minh chứng là trong chưa đầy 2 tuần của năm mới, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí có mã còn lập đỉnh mới kể từ khi niêm yết. Nhiều chuyên gia cho rằng, cổ phiếu "vua" sẽ lên ngôi mạnh mẽ hơn sau thời gian đi ngang và tạo đáy thời gian qua, dòng tiền sẽ trở lại giúp dòng ngân hàng có cơ hội dẫn dắt thị trường.
Dẫu vậy, những khó khăn mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm nay cũng được đánh giá là không hề nhỏ khi đại dịch đi qua, bên cạnh những dư địa chính sách tài chính tiền tệ bị hạn chế do áp lực lạm phát.
Vậy cụ thể đâu sẽ là những khó khăn mà ngành ngân hàng có thể phải đối mặt? Cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ có những diễn biến như thế nào trong thời gian tới? Khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này nhà đầu tư cần chú ý những gì? Câu chuyện chính của các ngân hàng 2022 là gì? ... là những vấn đề sẽ được các diễn giả tham gia Talkshow Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"? phân tích.
Talkshow sẽ diễn ra vào 14h ngày 20/01/2022, được tường thuật trực tiếp trên chuyên trang Nhịp sống kinh tế (Báo Tổ quốc), Kênh thông tin tài chính kinh tế CafeF và Fanpage CafeF với sự tham gia của:
- Ông Nguyễn Danh Lương – Thành viên HĐQT Độc lập Ngân hàng hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán ABB)
- Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect
Ngay từ bây giờ, quý vị có thể gửi câu hỏi tới các diễn giả tại email: info@cafef.vn và đón xem Talkshow vào ngày 20/01/2022.
ABBank chuẩn bị chia thưởng tỷ lệ 35%, tăng vốn lên gần 10.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán ABB) vừa công bố về việc chia cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ABB trước ngày 10/02/2022 sẽ có quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (mỗi cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu được nhận thêm 35 cổ phiếu thưởng).
Nguồn tài chính sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng là từ một phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại từ năm 2018 đến năm 2020 và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Trước đó, ABBank đã thực hiện xong 2 đợt tăng vốn gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu tổng cộng hơn 114 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20%) với giá 10.000 đồng, và phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 13.000 đồng.
Sau khi hoàn thành chia cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng, theo đúng lộ trình tăng vốn đã được Đại hội đồng Cổ đông thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.