Tại Tọa đàm 'Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới' diễn ra sáng nay 27/9/2022, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nêu quan điểm: “Chúng ta sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất, bởi Fed tăng lãi suất thì Việt Nam phải tăng theo để giảm áp lực tỷ giá”.
Việt Nam đã dùng dự trữ ngoại hối để hạn chế đà giảm của VND so với USD. Tuy nhiên, nước ta còn cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức an toàn là đủ cho 3 tháng nhập khẩu. Vì vậy theo chuyên gia, trong năm 2023, Việt Nam sẽ hỗ trợ tỷ giá bằng cách nâng thêm lãi suất.
"Ở những quốc gia mới nổi như Việt Nam, lạm phát không phải là vấn đề"
Dẫn thông tin dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022-2024 của các tổ chức lớn, ông Báu cho biết nếu các tổ chức có cập nhật mới dự phóng thì con số thậm chí còn thấp hơn hiện nay bởi sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều, các quốc gia lớn bước vào giai đoạn tăng lãi suất lớn, gây sức ép xấu hơn nữa đến triển vọng kinh tế thế giới.
Theo dự báo của các tổ chức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2022, tính trung bình các dự báo đạt khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% vào năm 2021.
Ở những quốc gia đang phát triển và mới nổi như Việt Nam thì lạm phát không phải vấn đề. Nhưng vì "bảo vệ" tỷ giá nên phải tăng lãi suất, điều này gây áp lực lên tăng trưởng lên các quốc gia đang phát triển. Lạm phát của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu.
Trong bức tranh chung không tích cực về kinh tế toàn cầu, thì dự phóng kinh tế Việt Nam, tổng hợp từ các tổ chức uy tín cho thấy quý 3 sẽ tăng trưởng kỷ lục. Cần nhấn mạnh, kết quả này đạt được là do nền tảng cơ sở năm 2021 thấp.
Nhìn chung, ông Báu nhận định nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp; nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài.
“Năm 2022 có vĩ mô tốt nhưng dòng tiền xấu, năm 2023 có vĩ mô xấu nhưng tiền tệ tích cực. Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo”, ông nói.
P/E TTCK năm 2022 dự báo đạt khoảng 11,3 lần
Dưới góc nhìn đầu tư, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research cho biết: “ROE của VN-Index khoảng 15% cao hơn so mức 9-10% của khu vực. Tỷ giá ổn định là yếu tố NĐT nước ngoài quan tâm. Dự báo P/E năm nay khoảng 11,3 lần, P/E dự phóng cho 2023 khoảng trên 9,4 lần, so với quá khứ khá là thấp. Điểm đáng nói là chỉ số định giá của VN-Index rất nhạy cảm với đường lãi suất”.
Thực tế, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay có xu hướng điều chỉnh sau hai năm tăng nóng. VN-Index giảm khoảng 21% từ đầu 2022 đến 23/9 do ảnh hưởng từ mức giảm của các ngành vật liệu, công nghiệp, BĐS, tài chính.
Triển vọng trong thời gian tới, ông Châu dự phóng lợi nhuận nhóm công ty niêm yết đạt mức khả quan, khoảng 16,7% và mức tăng trường lợi nhuận này sẽ có thể giảm trong 2023 xuống 13,3%.
Các nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng gồm: ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế (bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin); cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI; cổ phiếu hưởng hưởng lợi từ khi giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hoá chất,…); cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc KQKD phục hồi từ đáy; các cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất.
Cơ hội đổi đời
Ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản, ông Huỳnh Minh Tuấn - Sáng lập FIDT – nhấn mạnh đặc biệt ưa thích thích giai đoạn này. Đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Đây là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”.
Theo dự báo của FIDT, VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý 4 năm nay. Trong đó, các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế, hạ tầng bất động sản (BĐS) - khu công nghiệp …
Khi lãi suất tăng, giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu giao thương với thế giới cũng sụt giảm, ảnh hưởng tới các mặt hàng như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may…. ông nói.
Bài toán lúc này quay lại với việc kích thích tiêu dùng nội địa. Muốn kích thích thì thị trường phải có “room”. Người tiêu dùng cá nhân chấp nhận một mức lãi suất dịch chuyển lên khoảng 1-1,5% nhưng phải có room tín dụng, do đó ông Tuấn cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới tay hơn trong việc điều chỉnh room tín dụng để kích thích tiêu dùng nội địa.