Nhìn lại năm 2022, ngành hàng không Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng sau hơn 2 năm gặp khó vì dịch bệnh. Đóng góp một phần lớn cho sự phục hồi của các hãng bay là nhờ sự bùng nổ của du lịch nội địa, cùng với đó là việc mở cửa lại với hàng không quốc tế.
Tuy nhiên, trước những biến động địa chính trị và kinh tế thế giới trong năm nay, các hãng hàng không Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh hết sức khó khăn. Điển hình như quý 3 vừa qua, 2 doanh nghiệp hàng không đã đứng đầu trong top các doanh nghiệp lỗ lớn nhất.
Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ trước thuế trong quý III là gần 2.500 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng hãng lỗ gần 7.600 tỷ đồng. Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm trước, những cũng đủ để thấy tình hình đang khó khăn như thế nào.
Bamboo Airways chỉ đứng sau Vietnam Airlines với mức lỗ trước thuế quý 3 là hơn 1.400 tỷ đồng và luỹ kế 9 tháng ước lỗ hơn 3.500 tỷ đồng.
Năm 2022, ngành hàng không Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng sau hơn 2 năm gặp khó vì dịch bệnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Vậy đâu là những nguyên nhân khiến các hãng hàng không Việt Nam đang rơi vào tình cảnh "càng bay càng lỗ"?
Chi phí nhiên liệu tăng hơn 7.000 tỷ đồng do tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine. Biến động tỷ giá tại các thị trường quốc tế làm tăng chi phí khoảng 3.000 tỷ đồng. Đó chỉ là 2 trong các khoản chi phí lớn trong năm 2022 của Vietnam Airlines. Theo lãnh đạo hãng bay, những khoản này rất khó bù đắp dù hãng đã nỗ lực cắt giảm chi phí nhân sự hay giãn, hoãn nợ với các nhà cung cấp nước ngoài.
"Giảm lỗ so với kế hoạch đại hội đồng cổ đông đặt ra là khoảng 500 tỷ. Doanh thu của chúng tôi tăng 20% so với kế hoạch. Tuy nói là như vậy, nhưng tình hình tài chính qua 2 năm rưỡi về dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Đây là di chứng nặng nề mà chúng tôi phải giải quyết trong năm tới, đặc biệt trong năm 2023", ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết.
Theo chuyên gia, sau đại dịch, các đường bay quốc tế, vốn đóng góp đến 2/3 doanh thu cho các hãng hãng không, mới chỉ phục hồi được khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Đây cũng là một trong những lý do khiến các hãng hàng không rơi vào tình cảnh "càng bay càng lỗ".
"Việc càng bay nội địa thì các hãng hàng không càng lỗ, đó là điều tồn tại từ nhiều năm nay. Năm nay, các hãng hàng không đều xác định vẫn tiếp tục là những năm tiếp tục lỗ", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho hay.
Thực tế cho thấy, thị trường vận tải hàng không đã hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng cả Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thu từ các hoạt động tài chính như: bán cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết hay nghiệp vụ bán và thuê lại tàu bay…, còn chưa thể có lãi từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách và hàng hóa.
Cần "tiếp sức" để hàng không Việt cất cánh
Sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch, các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động.
Thực tế 2 năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh "bộ đệm" tài chính của các hãng hàng không đã mỏng đi nhiều, việc tiếp tục có những hỗ trợ là giải pháp cần sớm được xem xét.
Theo đề án tái cơ cấu tổng thể của Vietnam Airlines, hãng này đề xuất được thoái vốn ở một số danh mục đầu tư, hay thoái vốn Nhà nước để tăng vốn lưu động và trả các khoản nợ quá hạn… Lãnh đạo Ủy ban Quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, thoái vốn ở các công ty con, công ty liên kết sẽ là giải pháp trọng tâm giúp cải thiện dòng tiền, bên cạnh các nhiệm vụ tự thân khác.
"Trọng tâm nhất để có được nguồn lực giúp Vietnam Airlines phục hồi sau đại dịch COVID-19 đó là giải pháp thoái vốn tại các công ty con, công ty trực thuộc, công ty liên kết cũng như thanh lý máy bay cũ", ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nói.
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: NLĐ)
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng, chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không khi các thị trường quốc tế chưa hoàn toàn phục hồi là cần thiết lúc này, đặc biệt với thị trường lớn như Trung Quốc vẫn còn đang mở cửa dè dặt.
"Chính phủ có thể tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không bằng cả các chính sách về tài chính cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Tôi nghĩ việc này sẽ rất hữu ích đối với các hãng hàng không. Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường như sản xuất nhiên liệu bền vững cũng cần được xem xét trong thời gian tới", ông Philip Goh, Phó Chủ tịch vùng châu Á - Thái Bình Dương, IATA, nhận định.
Nhiều giải pháp hỗ trợ ngành hàng không thế giới
Cũng theo nhận định của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), năm nay, sản lượng hành khách sẽ đạt 83% như trước đại dịch. Tuy nhiên, tổng lỗ của hàng không toàn cầu ước tính ở mức 9,7 tỷ USD. Trước những khó khăn các hãng bay phải đối mặt, nhiều quốc gia đã và đang triển khai những giải pháp để "tiếp sức" cho các hãng bay.
Theo báo cáo Triển vọng toàn cầu về vận tải hàng không mới nhất, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) - tổ chức đại diện cho khoảng 300 hãng hàng không trên toàn thế giới cho biết, tính đến tháng 12/2022, kết nối hàng không nội địa trung bình của các nước đã phục hồi khoảng 89% so mức trước đại dịch COVID-19, trong khi khả năng kết nối hàng không quốc tế hiện ở mức khoảng 68% so mức của năm 2019.
Với sự phục hồi tích cực đó, khoản lỗ ròng của các hãng hàng không trong năm nay dự kiến đạt khoảng 6,9 tỷ USD, tức giảm 20 lần so với mức lỗ ròng thời điểm COVID-19 bùng phát năm 2020.
"Sự phục hồi của lĩnh vực hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương năm qua chậm hơn so với châu Âu và Mỹ do các quốc gia tại khu vực này mở cửa muộn hơn. Dự báo lưu lượng hành khách tại châu Á sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Do vậy, để hỗ trợ ngành này, cần đẩy mạnh các chính sách liên quan đến môi trường, nhiên liệu bay bền vững, qua đó giảm phát thải cho ngành hàng không", ông Philip Goh, Phó Chủ tịch vùng châu Á - Thái Bình Dương, IATA, đánh giá.
Năm qua, miễn, giảm thuế với nhiên liệu bay là giải pháp được nhiều chính phủ lựa chọn. Tại Hàn Quốc, thuế 3% với nhiên liệu bay được miễn giảm với các hàng hàng không nội địa áp dụng từ tháng 8 đến tháng 12.
Tại Nhật Bản, thuế nhiên liệu bay thông thường là khoảng 26 Yen/lít, nhưng năm qua mức thuế này đã giảm một nửa, còn 13 Yen/lít.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng đã cho phép các hãng hàng không có thể trực tiếp nhập khẩu nhiên liệu bay. Điều này giúp cắt giảm khoảng 20% chi phí nhập khẩu.
Còn tại Thái Lan, hãng hàng không quốc gia nước này Thai Airways, năm 2022 đã nhận được khoản hỗ trợ tài chính quan trọng từ chính phủ cho kế hoạch tăng vốn lên 80 tỷ Baht (tức 2,2 tỷ USD) và hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nhằm giúp hãng bay này thoát khỏi tình trạng phá sản do COVID-19 gây ra.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, môi trường kinh doanh năm 2023 vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trên phạm vi toàn cầu. Do vậy, việc phát huy tối đa sự chủ động, linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh để tăng thu, giảm chi, đặc biệt với hãng hàng không có vốn chủ sở hữu của Nhà nước như Vietnam Airlines sẽ là rất quan trọng để cùng các hãng hàng không khác đẩy nhanh đà "cất cánh".