Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy con người hướng đến lối sống lành mạnh hơn về chế độ dinh dưỡng và thực phẩm ăn uống, khiến cho ngành FMCG (Fast Moving Consumer Goods - ngành hàng tiêu dùng nhanh) có sự chuyển đổi về kênh bán. Dẫn đến đó là nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này tăng lên, đặc biệt ở các vị trí Giám đốc phát triển thương mại điện tử, Giám đốc phát triển kinh doanh, Quản lý bán hàng & tiếp thị,...
Báo cáo Hướng dẫn lương năm 2022 của Adecco Việt Nam nhận định, vào năm 2022, chuyển đổi số sẽ tiếp tục đưa nhu cầu mua sắm trực tuyến lên ngôi. Do đó, nhân sự trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống thông qua các nền tảng bán lẻ và thương mại điện tử sẽ lại "đắt xắt ra miếng" và có sự cạnh tranh gắt gao giữa các doanh nghiệp.
Nhà tuyển dụng năm 2022 sẵn sàng "rút ví" từ 300-450 triệu/tháng để trả cho nhân sự vị trí Tổng giám đốc/Giám đốc điều hành ở khu vực TP. HCM, còn ở Hà Nội dao động từ 240-360 triệu/tháng. "Choáng" không kém là thu nhập của Giám đốc thương mại, nếu ở TP. HCM, vị trí này có thể nhận từ 250-350 triệu/tháng thì ở Hà Nội là 160-250 triệu/tháng. Những con số này cho thấy thực tế "khát" nhân sự quản lý cấp cao ngày càng rõ nét ở thị trường lao động ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Ở mảng bán hàng và tiếp thị, các vị trí giám đốc vẫn dẫn đầu top việc làm có mức lương đáng mơ ước. Cụ thể, mức cao nhất mà nhân sự có thể được đãi ngộ mỗi tháng là 300 triệu cho vai trò Giám đốc bán hàng và 350 triệu cho Giám đốc tiếp thị.
Các vị trí Trưởng phòng thương mại/thương mại hiện đại, Giám đốc kinh doanh toàn quốc/khu vực,...đều là những chiếc "ghế nóng" với thu nhập hậu hĩnh cho người phụ trách. Tùy theo tình hình thực tế và địa bàn, trên dưới 100 triệu, thậm chí xấp xỉ 200 triệu là thu nhập không hề nhỏ mà các vị trí này có thể được hưởng định kỳ hằng tháng.
Bên cạnh đó, trước xu thế phát triển của xã hội, doanh nghiệp đều xem marketing như "át chủ bài" để đưa sản phẩm tới khách hàng như là một ngành tất yếu, mở ra cơ hội phát triển cực kỳ tiềm năng cho nhân lực. Chỉ với 1-5 năm kinh nghiệm, nhân sự được đảm bảo mức đãi ngộ cao nhất lên đến 100 triệu/tháng, thấp nhất 20 triệu/tháng ở cấp bậc quản lý. Con số tăng theo thâm niên làm việc, chẳng hạn như cao nhất 140 triệu/tháng ở vị trí Quản lý tiếp thị nếu có kinh nghiệm trên 5 năm.
Cũng nằm trong nhóm ngành FMCG là bán lẻ, đây là một trong những mảng thiết yếu bởi nó phục vụ sát sườn nhu cầu tiêu dùng của mỗi người, mỗi nhà. Bất chấp các tác động ngoại cảnh như dịch bệnh, ngành không ngừng phát triển dưới cả hình thức online hay offline, khi các thương hiệu bán lẻ mới liên tục gia nhập thị trường và các nhà bán lẻ hiện hữu thì đua nhau mở điểm bán mới, phát triển chuỗi.
Các nhà tuyển dụng vì thế trả lương rất mạnh tay để "săn" ứng viên mảng bán lẻ. Ở TP. HCM, "giá" của vị trí Giám đốc bán lẻ là 70-90 triệu/tháng nếu có 1-5 năm kinh nghiệm, trên 5 năm thì được trả 90-130 triệu/tháng. Chế độ đãi ngộ cho vị trí này ở Hà Nội cao hơn, với mức lương lần lượt là 90-110 triệu/tháng và 100-150 triệu/tháng.
Các vị trí khác cũng được Adecco đưa ra số liệu dự báo lương rất hấp dẫn mà không đòi hỏi quá cao. Đơn cử, chỉ cần làm quản lý một cửa hàng trong chuỗi bán lẻ cũng có thể "bỏ túi" tối thiểu 35 triệu/tháng - một con số mà không phải nhà tuyển dụng ở lĩnh vực nào cũng sẵn sàng đáp ứng cho nhân sự chỉ có hơn 1 năm kinh nghiệm.
Cơ hội tràn đầy, lương thưởng xông xênh nhưng để thực sự trụ vững và không bị đào thải trong thị trường FMCG - nơi luôn có những thay đổi về tính chất công việc, từ bán hàng theo hình thức B2B, B2C đến B2B2C, yêu cầu ứng viên cần có kỹ năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ tốt và rất năng động. Đi cùng chuyên môn phải có trí óc tinh tường, phán đoán các phản ứng của thị trường nhanh nhạy để điều chỉnh và thay đổi các chiến lược cho sản phẩm, tăng độ phủ của sản phẩm.