PV: Năm 2023, nền kinh tế của chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Có thể nói, năm 2023 sẽ đem lại những cơ hội và thách thức lớn cho kinh tế, đồng thời cũng sẽ là một thử thách nghiêm khắc đối với nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tình hình thế giới đã và sẽ biến động khó lường, khó dự báo, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời nhận định rõ những thay đổi tình hình và có quyết sách phù hợp, dự phòng những kịch bản khác nhau: giá dầu thô, lương thực biến động, kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái, nhiều nước điều chỉnh tỷ giá và lãi suất, sức mua ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta giảm sút.
Mặt khác, cuộc đối đầu Mỹ - Trung tạo cơ hội cho hàng dệt may tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, giá nông sản tăng cũng tạo cơ hội tăng giá của hàng nông sản của Việt Nam... Nước ta đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho hàng xuất khẩu. Mặt khác, các nước nhập khẩu đều đặt ra những yêu cầu cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm, về chế độ lao động, bảo vệ môi trưởng mà các mặt hàng xuất của nước ta phải tuân theo. Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi sang kinh tế số vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nước ta, vì vậy, đổi mới cơ chế quản lý, tạo thuận lợi cho DN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta là đòi hỏi cấp bách chúng ta cần đáp ứng.
Vậy bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ như thế nào và chúng ta cần chú ý gì?
- Dự kiến tăng trưởng GDP sẽ giảm bớt so với năm 2022, chỉ vào khoảng 6,5%, công ăn việc làm sẽ khó khăn hơn. Chính phủ cần tiếp tục có những gói hỗ trợ cho DN và người lao động để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống của người lao động. DN cần chuyển mạnh sang kinh tế số, vận dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Cần kịp thời trao đổi thẳng thắn với người lao động, động viên, chia sẻ thông tin với người lao động để tạo sự đồng thuận, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sự thay đổi tích cực trong việc thực thi các thủ tục hành chính sẽ là giải pháp tốt nhất khơi thông các nguồn lực.
Ông đánh giá thế nào về sức khoẻ DN hiện nay?
- Nhìn chung tình hình của DN hiện nay là khó khăn khi chính sách thắt chặt của các nước, dòng tiền tín dụng thương mại giảm rất mạnh. Điều này đã góp phần khiến cho DN rơi vào tình trạng thiếu tiền. Khi thị trường bị tác động, chính những DN đang sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ bị tác động đầu tiên và trở tay không kịp. Theo đó, các DN cũng cần tự xem lại mình để tái cấu trúc.
DN cần trình bày rõ nhu cầu vốn của các phương án kinh doanh, các đơn hàng... với các ngân hàng, với các cơ quan nhà nước để có cơ hội tiếp cận tín dụng, phát hành trái phiếu DN. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm đến lợi ích chính đáng của DN. Phải làm sao các chính sách về tiền tệ, chính sách về vốn giúp cho các DN vừa và nhỏ có khả năng hấp thụ được vốn, đảm bảo sức khỏe tiền tệ, sức khỏe tài chính, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, vốn lưu động.
Được biết, Chính phủ sẽ mở rộng gói tín dụng cho DN, tiếp tục cải cách quản lý. Các DN phải phân tích tình hình thị trường, tổ chức lại và tái cơ cấu sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ thích hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!