Dự báo năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát duy trì ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi nhanh, mạnh; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... gia tăng và dự báo có tác động không nhỏ tới nền kinh tế trong nước.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh khỏi bị tác động.
Đầu tư công là động lực tăng trưởng
Khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Đăng Doanh cho rằng đầu tư công là động lực quan trọng vì đầu tư công sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, chất lượng logistics, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác và tận dụng các cơ hội đầu tư công mở ra như mở ra xa lộ, bến cảng, sân bay mới.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực (Ngân hàng BIDV) cho rằng năm 2023 có thể nói là năm bùng nổ bùng nổ đầu tư công. Lượng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 có thể gấp đôi năm 2022, nếu tính cả phần chuyển nguồn từ năm nay sang. Bởi theo thống kê tính đến 30/11, ước đạt giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước khoảng 58,33% (Kế hoạch được chuẩn bị là 550.000 tỷ đồng). Như vậy phần vốn còn lại của năm 2022 buộc phải dồn sang năm kế tiếp.
Để năm 2023 đạt được mục tiêu thúc đẩy giải ngân đầu tư công - vốn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trước tiên, cần xem đây là ưu tiên hàng đầu.
TS Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng do dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nên gánh nặng hỗ trợ phục hồi kinh tế đang đặt nặng lên vai chính sách tài khóa. Phần lớn nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là từ chính sách tài khóa. Vai trò của đầu tư công là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng năm 2023. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh chương trình phục hồi, cần thiết thì có sự chỉnh sửa linh hoạt để triển khai.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là thách thức
Có thể nhận thấy rằng trọng trách của đầu tư công trong năm 2023 là rất lớn. Nhưng đặt trong thực tế việc giải ngân vốn đầu tư luôn ì ạch, chưa kể năm 2022 còn có bộ, ngành xin trả lại nguồn vốn được giao vì không phân bổ được... thì có thể thấy nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm 2023 rất nặng nề.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng dẫn chứng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp qua các năm: Năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82%, năm 2021 là 72%, 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 53,8%.
Theo ông Hưng, các bộ, ngành, địa phương nêu tới 25 - 30 khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công khi báo cáo với Chính phủ. Trong đó, chia ra 3 nhóm lĩnh vực. Nhóm thứ nhất là thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng...
Nhóm thứ hai là tổ chức thực thi, cùng hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có tỉnh rất tốt, có bộ, ngành, địa phương còn kém. Chẳng hạn như: Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ giải ngân đạt 100%, Tiền Giang đạt 82%... trong khi đó có 12 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (hơn 30%). Thực tế này cho thấy, quá trình tổ chức thực thi của các cơ quan cũng là một trở ngại, cần sự quyết tâm vào cuộc trong việc quyết liệt triển khai đầu tư công.
Nhóm thứ ba là các yếu tố khách quan, đặc thù trong năm 2022 xuất hiện ngoài dự báo như giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao...
Giới chuyên gia cũng cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề thách thức. Năng lực giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua còn hạn chế, trong khi năm 2023 số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn. Bài toán đặt ra là cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Một số cao tốc chậm tiến độ do giải ngân chậm. Ảnh: Quang Vinh.
Trách nhiệm người đứng đầu
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó, tập trung giải pháp như rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Ông Phương khẳng định cần phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu của năm 2023. Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt. Cùng đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phân tích, có tỉnh giải ngân vốn đầu tư công nhanh, nhưng cũng có địa phương triển khai rất chậm. Việc này có trách nhiệm của người đứng đầu của những đơn vị được giao vốn. Do vậy, phải quy trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu địa phương nào triển khai đầu tư công chậm, cần nghe tiếng nói của Hội đồng nhân dân, của người dân địa phương đó để đánh giá người có trách nhiệm xem đã hoàn thành trách nhiệm của mình chưa.
Trên thực tế, hầu hết các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công đều đã được tháo gỡ. Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1/2022, một loạt các sửa đổi, bổ sung cho Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... đã được thông qua. Đã có một sự phân cấp, phân quyền khá mạnh cho các chủ thể ở cấp trung ương, cũng như ở cấp địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, cũng như các dự án hợp tác công tư.
Vì vậy, nếu bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm thì cần làm rõ trách nhiệm. Nếu không, việc giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 cũng sẽ lại ách tắc.
Giới chuyên gia cũng nhận định việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề thách thức. Năng lực giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua còn hạn chế, trong khi năm 2023 số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn. Bài toán đặt ra là cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, Chính phủ nên tiếp tục đưa ra một công lệnh cho tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát lại, chắt lọc lại dự án nào có tiến độ tốt để điều chỉnh vốn và hoàn thành dứt điểm. Đối với các dự án đang gặp vướng do thể chế hoặc không thể giải quyết vướng mắc trong ngày một ngày hai do các yếu tố khách quan có thể bóc tách ra và đưa vào kế hoạch dài hạn. Công tác thanh tra, kiểm tra trong việc sắp xếp, xếp hạng các dự án đầu tư cũng phải được đẩy mạnh và quy trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó khi sắp xếp sai các dự án để mưu cầu lợi ích nhóm.