Nội dung của Chương trình nêu rõ, đến năm 2030, hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, chương trình đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, điển hình như: lựa chọn sản phẩm quốc gia từ các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực của các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, phục vụ việc hình thành và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Bên cạnh đó, các giải pháp khác trong Chương trình bao gồm: tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các tổ chức, doanh nghiệp điển hình sản xuất sản phẩm quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm quốc gia.
Đồng thời, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực, từ đó có thể làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, liên quan đến các hoạt động sản xuất sản phẩm quốc gia, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ nhằm nâng cao, đầu tư mới trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động đo kiểm, thử nghiệm sản xuất theo quy định pháp luật.
Các yêu cầu đưa ra đối với sản phẩm quốc gia được lựa chọn phát triển là: sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, theo quy định, một số yêu cầu khác như: có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động lan tỏa, tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng an ninh; phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.