Lời khuyên của chủ tịch Trương Gia Bình
Chia sẻ tại hội thảo Cơ hội và thay đổi tuổi 30, chủ tịch Fsoft Hoàng Nam Tiến cho biết những thống kê học chỉ ra rằng 28-35 là giai đoạn con người trải qua khủng hoảng tuổi trưởng thành. Đây là đợt khủng hoảng thứ 2 sau khủng hoảng tuổi vị thành niên.
"Các bạn bắt đầu kiếm được tiền, có gia đình và bắt đầu có vị trí trong xã hội và các bạn nghĩ rằng mình sẽ phải làm gì khác đi. Và phần lớn đều muốn làm cái gì đấy của riêng mình", ông Tiến rút ra quy luật. Chính bản thân ông cũng không phải ngoại lệ.
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, ông Tiến gia nhập công ty FPT. Sau nhiều năm phấn đấu, khi chạm mốc tuổi 30 ông lên đến vị trí trưởng phòng kinh doanh tại tập đoàn FPT. Tuy nhiên điều ông trăn trở là chưa làm được gì cho riêng mình khi trong tay có sẵn các mối quan hệ, có gia đình ổn định. Ở tuổi 32, ông Hoàng Nam Tiến quyết định xin nghỉ việc với chủ tịch FPT Trương Gia Bình.
"Anh Bình không khuyên nên ở lại hay hứa hẹn sẽ bổ nhiệm làm việc này, giao việc kia. Thay vào đó anh Bình bảo tôi: Thôi mày đi học đi!", ông Tiến nhớ lại. Vị trưởng phòng kinh doanh FPT khi đó quyết định nghỉ việc để đi học MBA tại Mỹ.
Tuần đầu tiên khi ông Tiến nghỉ để đi học, điện thoại liên tục bận máy vì các cuộc gọi điện của đối tác như Microsoft, IBM,.. Tuy nhiên đến tuần thứ 2, các cuộc gọi, thư điện tử thưa dần và rồi đúng như lời cha ông thường nói "Vắng cô thì chợ vẫn đông".
"Sau 3 tháng tôi phát hiện ra điều rất quan trọng rằng không ai cần mình. Khi không có ai cần mình thì điều đầu tiên mình suy nghĩ rất khác. Nếu không đi học thì không bao giờ tôi có cảm giác đấy. Khi đi học, tôi nung nấu rằng khi về sẽ làm một cái khác kể cả về FPT, như một con người mới. Làm điều gì khác biệt", ông Tiến nhớ lại. Sau khi quay trở về FPT, ông Tiến thay đổi và có nhiều đóng góp, đưa Fsoft thành đơn vị có đóng góp doanh thu lớn trong tập đoàn.
Theo ông Tiến, ở lứa tuổi 30 có 3 việc cần làm với bất kỳ ai: Thứ nhất là kiếm ra tiền, thứ hai là cố gắng có một gia đình tử tế, thứ ba là đi học. Sau một thời gian đi làm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, những người 30 tuổi sẽ đi học với tâm thế khác so với người trẻ tuổi. Theo ông Tiến, chính bởi điều này nên các khóa học MBA trên thế giới đều đưa ra lứa tuổi thích hợp nhất với học viên là 30 tuổi.
Nên làm gì ở tuổi 30
Ngoài 3 điều chủ tịch FPT software chỉ ra, những người bước đầu vào tuổi 30 có thể hoàn thiện bản thân để thành công và vững chắc hơn trong sự nghiệp. Sau đây là 10 điều tưởng chừng nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn do trang Business Insider đưa ra.
1. Ngừng hút thuốc
Nếu bạn đã hút thuốc, hãy ngừng ngay lập tức. Trong khi bạn không thể hoàn tác những thiệt hại bạn đã phát sinh do hút thuốc lá, nghiên cứu khoa học cho thấy những người bỏ thuốc trước tuổi 40 có nguy cơ tử vong thấp hơn 90% so với những người tiếp tục hút.
2. Bắt đầu đi ngủ và thức dậy cùng một lúc mỗi ngày
Dùng ngày cuối tuần để ngủ nướng vốn là điều hấp dẫn với người trẻ nhưng khi đến tuổi 30, bạn nên bắt đầu thay đổi. Các chuyên gia nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi bạn thay đổi nhịp sinh học khác nhau, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm đó.
3. Bắt đầu tập thể dục thường xuyên
Cố gắng vận động bản thân càng nhiều càng tốt. Không quan trọng là thông qua hình thức nào, bạn có thể đi bộ, đi xe đạp, chạy, cử tạ, đi bộ đường dài, bơi lội - miễn là vận động.
Ở độ tuổi 30, các khối cơ của bạn bắt đầu suy giảm do đó việc tập thể dục vô cùng quan trọng. Nhưng hãy nhớ chọn các hoạt động thể chất mà bạn thực sự yêu thích để duy trì thói quen liên tục.
4. Bắt đầu tiết kiệm tiền
Xây dựng thói quen tiết kiệm sớm đồng nghĩa với bạn bắt đầu bước vào con đường độc lập tài chính. Thời điểm 30 tuổi, khi có gia đình, bạn cần tích lũy tài sản để đảm bảo cuộc sống ít rủi ro và phiêu lưu hơn so với thời kỳ độc thân.
5. Bắt đầu theo đuổi giấc mơ cuộc sống
Khi bắt đầu có nền tảng công việc, tiền bạc, gia đình, bạn cũng đừng trì hoãn việc theo đuổi mục đích cuộc sống. Đó có thể là mua một căn nhà mơ ước, có con hay đơn giản là viết một cuốn sách.
6. Bắt đầu học cách vui vẻ với những gì bạn có
"Nếu bạn hài lòng với những gì bạn có, bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn", một tác giả nổi tiếng từng nói như vậy. Điều đó đặc biệt đúng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Bạn sẽ thấy chỉ đơn giản là nói "cảm ơn" với chồng hay vợ mình, cuộc sống hôn nhân của bạn đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Và các nhà tâm lý học đã tìm thấy rằng các cặp vợ chồng bày tỏ lòng biết ơn đối với nhau có nhiều khả năng ở bên nhau hơn.
7. Ngừng suy nghĩ bạn cần phải làm hài lòng tất cả mọi người
Khi đạt đến 30 tuổi, bạn sẽ ngừng cảm thấy cần phải làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn có thể chọn bạn bè và các mối quan hệ kỹ lưỡng hơn. Cho dù bạn quyết định giảm bớt bạn bè trên Facebook của mình xuống chỉ vài người hoặc đơn giản là đi chơi với những người khiến bạn hạnh phúc, điều quan trọng là bạn nên đầu tư thời gian và năng lượng một cách khôn ngoan.
8. Ngừng so sánh bản thân với người khác
Nếu bạn không thể làm một số điều trong cuộc sống so với anh chị em hay bạn bè của bạn, hãy sống hòa bình với chính mình. Đừng quá khắc nghiệt với bản thân.
9. Bắt đầu tha thứ cho chính mình vì những sai lầm của bạn
Hãy tha thứ cho chính những sai lầm của bạn. Bất kỳ ai cũng có lỗi lầm nhưng điều quan trọng là hãy học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ rồi để chúng ra đi và bạn tiến lên phía trước. Nếu bạn tử tế với bản thân khi bạn thất bại, bạn có cơ hội học hỏi từ những sai lầm của mình và làm tốt hơn vào lần sau.
10. Bắt đầu xác định giá trị của bạn
Đừng để người khác định nghĩa hạnh phúc và thành công cho bạn. Ưu tiên số một ở giai đoạn tuổi 30 là làm sáng tỏ những ưu tiên của bạn. Một cách tuyệt vời để làm điều này là xác định giá trị cá nhân và lý tưởng của bạn. Sau đó hãy tự hỏi liệu những giá trị này có thực sự phản ánh trong sự nghiệp và lối sống của bạn ngày hôm nay hay không. Từ đó hãy xác định các mục tiêu phù hợp với các giá trị đó và sau đó tạo kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu đó.