Thực hiện theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và Đề án phát triển Ngân hàng Xanh tại Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước, Nam A Bank đã từng bước thực hiện và hoàn thiện các trụ cột để tiến tới Ngân hàng Xanh cấp độ 5. Từ năm 2018, Nam A Bank đã triển khai các sản phẩm Tín dụng xanh và cam kết tuân thủ các chuẩn mực môi trường và xã hội.
Với sự hỗ trợ của Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) và sự tư vấn chuyên môn của PRA, từ năm 2021, Nam A Bank đã triển khai Hệ thống Quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng và đến nay đã cập nhật và hoàn thiện quy định ESMS phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam hiện hành và tiêu chuẩn IFC.
"Hệ thống ESMS hỗ trợ cho Nam A Bank chủ động xác định, quản lý và giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cho vay. Bằng cách tích hợp những yếu tố quan trọng này, Nam A Bank không chỉ góp phần vào sự ổn định về tài chính mà còn cho một tương lai bền vững hơn cho Việt Nam" – đại diện PRA chia sẻ.
Nam A Bank tin rằng chú trọng vào quản lý rủi ro môi trường và xã hội sẽ đem lại cơ hội góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, chung tay bảo vệ môi trường và đây cũng là bước đầu Nam A Bank tham gia tích cực vào chiến lược của Chính phủ về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
"Trong tương lai, chúng ta tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi xanh để hướng đến một tương lai bền vững hơn. Cùng nhau đổi mới, chúng ta có thể đóng góp vào việc xây dựng một lĩnh vực tài chính không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ hành tinh và nâng cao cộng đồng" – đại diện GCPF chia sẻ.
Vừa qua, Nam A Bank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ký kết cùng GCPF triển khai chương trình "Tín dụng xanh" nhằm dành nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội. Nam A Bank cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sĩ) nhằm phát triển bền vững và tín dụng xanh tại Việt Nam, triển khai thí điểm dự thảo Sách trắng về mục tiêu trung hòa carbon. Ngân hàng xanh không chỉ giới hạn ở phạm vi nghiệp vụ đơn lẻ mà được mở rộng thành mạng lưới, liên minh, đối thoại cộng đồng, toàn thể hệ sinh thái… nhằm đạt được tính bền vững của các yếu tố xã hội, môi trường và tài chính.